1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Dịch vụ thu hồi nợ cho doanh nghiệp và cá nhân / Mẹ bỏ trốn, con bị chủ nợ uy hiếp

Mẹ bỏ trốn, con bị chủ nợ uy hiếp

Bạn đọc > Hồi âm Mẹ bỏ trốn, con bị chủ nợ uy hiếp 18/12/2017 05:00 GMT+7 - Mẹ tôi vay tiền với lãi suất cao nhưng sau đó không trả được, phải bỏ trốn. Sự việc mượn tiền tôi không hề hay biết nhưng lại bị chủ nợ của mẹ ngày đêm tìm đến đe dọa, uy hiếp người thân trong gia đình.Xin hỏi luật sư tôi có trách nhiệm phải trả nợ thay mẹ không? Những người kia vừa cho vay nặng lãi, vừa đe dọa uy hiếp tính mạng người khác thì có thể báo công an được không?


Theo quy định pháp luật dân sự thì vay tiền là loại hợp đồng dân sự (hợp đồng vay tài sản). Theo đó, Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì nếu việc mẹ bạn vay tiền để sử dụng vào mục đích chung của vợ chồng hoặc vay tiền để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì bố bạn phải liên đới chịu trách nhiệm đối với khoản nợ đó. Nếu việc vay nợ do mình mẹ bạn thực hiện, bố bạn không biết thì không phải chịu trách nhiệm. Căn cứ điều 27 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Do đó trong trường hợp này bạn không phải chịu trách nhiệm đối với khoản vay do mẹ bạn thực hiện.

Bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nếu bên cho vay có hành vi uy hiếp đến bạn.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.