1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tranh tụng / Đồng phạm trong Tội gây rối trật tự công cộng khi chưa đủ 18 tuổi bị xử lý như thế nào?

Đồng phạm trong Tội gây rối trật tự công cộng khi chưa đủ 18 tuổi bị xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Em vừa bị tạm giam 2 tháng trở về, do chở đồng bọn cầm hung khí đánh nhau và có gây thương tích 8%. Em là người không đánh nhưng vẫn bị khởi tố 2 tội danh gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích. Gia đình em đã khắc phục và bồi thường cho bị hại 30 triệu nên được đình chỉ án cố ý gây thương tích giờ còn gây rối trật tự công cộng. Vậy em muốn hỏi, sau khi xử em có phải đi tù không ạ? Hiện nay, em chưa đủ 18 tuổi và đến tháng 8 này em mới đủ, gia đình mới xin được tại ngoại về ăn tết.


Tội gây rối trật tự công cộng là gì?

Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng như sau:

“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

Thường thì tội gây rối trật tự công cộng sẽ bao gồm rất nhiều người nên việc xác định đồng phạm hay không là một việc hết sức cần thiết và quan trọng khi xử lý vụ việc gây rối trật tự công cộng. Theo đó, tại Điều 17 BLHS 2015 quy định về đồng phạm như sau:

Điều 17. Đồng phạm

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Trong trường hợp của bạn, việc chở đồng bọn cầm hung khí đánh nhau có thể xác định là đồng phạm trong Tội gây trật tư công cộng. Hiện nay, do chưa đủ 18 tuổi, nên việc xử lý về hành vi nêu trên sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc được quy định tại Điều 91 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Dựa theo quy định tại Điều 9 BLHS 2015, Tội gây rối trật công cộng thuộc vào tội nghiệm trọng. Theo khoản 2 Điều 91 BLHS 2015, nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng (trừ một số tội phạm được pháp luật quy định) và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp: khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Khi tòa án xét xử sẽ đánh giá dựa vào tính chất, mức độ của vụ việc trong thực tế vụ việc. Việc xét xử sẽ dựa theo các nguyên tắc nêu trên, trong trường hợp này, đồng phạm trong tội gây trật tự công cộng có thể bị có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp như khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả hoặc cũng thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm

Công ty luật TNHH Đức An

Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT 090 220 1233

024.66544233

Web: www.luatducan.vn

Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Email: luatsubichhao@gmail.com