1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Doanh nghiệp / Rút vốn Công ty Cổ phần

Rút vốn Công ty Cổ phần

Câu hỏi: Thưa luật sư, Tôi hiện đang làm giám đốc của công ty cổ phần, tôi nắm giữ 20% cổ phần công ty. Hiện nay, tôi muốn rút toàn bộ vốn của mình khỏi công ty. Xin hỏi Luật sư tôi cần thực hiện thủ tục gì?


Do bạn không cung cấp rõ thông tin Công ty cổ phần đã được thành lập được bao lâu nên sẽ chia làm 02 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Công ty cổ phần đã được thành lập quá 03 năm:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2022 quy định về nghĩa vụ của cổ đông công ty cổ phần như sau:

“2. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.

Theo đó, cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

Như vậy, cổ đông chỉ có thể rút vốn khỏi công ty cổ phần bằng một trong hai hình thức dưới đây:

– Yêu cầu công ty mua lại cổ phần;

– Chuyển nhượng cổ phần sở hữu cho người khác có thể là cổ đông khác của công ty hoặc người khác không phải là cổ đông của công ty.

Do đó, đối với 20% cổ phần của bạn, bạn có thể yêu cầu công ty mua lại hoặc chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu cho người khác.

Trường hợp 2: Công ty cổ phần được thành lập dưới 03 năm

Khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 quy định, Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Các hạn chế quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 không áp dụng đối với cổ phần phổ thông sau đây:

- Cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp;

- Cổ phần đã được chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập.

Trường hợp Công ty cổ phần thành lập chưa được 03 năm và bạn là cổ đông sáng lập thì bạn có thể chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho cổ đông sáng lập khác hoặc cho người không phải cổ đông sáng lập nhưng phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

2. Thủ tục rút vốn Công ty cổ phần

Trường hợp cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình:

Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.

Hình thức thực hiện: Yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình phải được lập thành văn bản với các nội dung sau: tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại.

Thời hạn: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết thì cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình phải gửi yêu cầu đến công ty.

Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu trên, công ty phải mua lại cổ phần của cổ đông có yêu cầu với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc được quy định trong điều lệ công ty. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần cho người khác:

Một cách khác để cổ đông rút vốn khỏi công ty cổ phần là chuyển nhượng cổ phần. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép cổ đông tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ các trường hợp sau:

- Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho người khác (không phải cổ đông sáng lập) nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận;

- Trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định về việc hạn chế chuyển nhượng và được nêu rõ trong cổ phiếu.

Hình thức thực hiện: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Lưu ý là hợp đồng chuyển nhượng phải có đầy đủ chữ ký của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Nếu các bên là pháp nhân thì do đại diện theo ủy quyền ký kết.

 

3. Dịch vụ của Công ty Luật TNHH Đức An

- Tư vấn quy định pháp luật về rút vốn Công ty cổ phần;

- Tư vấn về quy định, trình tự thực hiện thủ tục rút vốn;

- Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ;

- Hướng dẫn khách hàng ký kết và hoàn thiện thủ tục rút vốn;

- Tư vấn công chứng hợp đồng chuyển  nhượng nếu khách hàng có nhu cầu

Phí tư vấn và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đại diện theo uỷ quyền theo thỏa thuận

Thạc sỹ - Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Địa chỉ: 64B, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT liên hệ:  0902201233 - cố định 024 66544233

Email: luatsubichhao@gmail.com

Web: www.luatducan.vn

Face: Công ty luật TNHH Đức An

Luật Đức An, chất lượng và uy tín.