Tội cưỡng đoạt tài sản
Tội Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.
Về tội cưỡng đoạt tài sản
- Căn cứ theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Cấu thành tội phạm:
Tội Cưỡng đoạt tài sản được cấu thành bởi 4 yếu tố bao gồm: khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và khách thể. Cụ thể như sau:
Khách thể tội phạm
Khách thể của tội cưỡng đoạt tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể đó là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Cụ thể là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người.
Mặt khách quan tội phạm
* Về hành vi khách quan: Người phạm tội Cưỡng đoạt tài sản có thể thực hiện một trong các hành vi sau:
– Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực
Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng sức mạnh thể chất tấn công người quản lý tài sản với ý thức làm cho người đó có căn cứ lo sợ rằng nếu không để cho người phạm tội chiếm đoạt tài sản thì sau một khoảng thời gian nhất định từ khi đe dọa sẽ bị gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người quản lý tài sản hoặc người thân của người đó.
Đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi không xảy ra ngay tức khắc. Người đe dọa không có ý thức dùng ngay sức mạnh vật chất tấn công người quản lý tài sản và người bị đe dọa cũng nhận thức được người phạm tội không có ý thức dùng ngay sức mạnh thể chất nếu không đưa tài sản cho người phạm tội.
Theo đó, việc đe dọa chưa đến mức làm tê liệt ý chí kháng cự của người bị đe dọa mà chỉ hạn chế ở chỗ làm cho họ lo sợ ở một mức độ nhất định, đồng thời họ vẫn có hoàn toàn về mặt thời gian để lựa chọn các biện pháp chuẩn bị phòng về.
Việc đe dọa được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
+ Đe dọa trực tiếp: Người phạm tội thực hiện việc đe dọa bằng lời nói, cử chỉ, hành động… công khai, trực tiếp với người bị hại.
+ Đe dọa gián tiếp: Người phạm tội thực hiện việc đe dọa thông qua các hình thức như: nhắn tin, điện thoại, thư… mà không gặp người bị hại.
– Hành vi khác uy hiếp tinh thần
Hành vi này được hiểu là dùng các thủ đoạn gây áp lực nhằm khống chế tinh thần của người bị hại để buộc họ phải giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt theo đòi hỏi mà người phạm tội đưa ra, kèm với việc dùng thủ đoạn đó.
Theo đó, các thủ đoạn thường thấy đó là lợi dụng những lỗi lầm của người bị hại mà người phạm tội biết được để nhằm đe dọa sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ (như dọa tố cáo bí mật đời tư, bới móc quá khứ, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật…).
* Về hậu quả:
Tội cưỡng đoạt tài sản là tội cấu thành hình thức do đó hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội, tức là dù người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay chưa nhưng đã thực hiện một trong các hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản là tội phạm đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn hoặc là tình tiết xem xét khi quyết định hình phạt.
Do Điều 170 Bộ luật hình sự không có quy định trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác là tình tiết định khung hình phạt. Do đó, nếu người phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự.
Ví dụ: Sau khi đã cưỡng đoạt được tài sản, người phạm tội bỏ đi thì bị phát hiện nên đã dùng vũ lực tấn công người bị hại hoặc người đuổi bắt gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho những người này.
Mặt chủ quan của tội phạm
Tội Cưỡng đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Theo đó, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện hành vi đó với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có trước khi thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản, nhưng cũng có thể xuất hiện trong hoặc sau khi đã thực hiện hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm về tài sản.
Chủ thể tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội tại khoản 1, đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự nếu phạm tội khoản 2, 3, 4 Điều 170 Bộ luật hình sự.
4. Tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành khi nào
Vì tội Cưỡng đoạt tài sản là tội cấu thành hình thức nên thời điểm tội phạm này hoàn thành được tính từ khi người phạm tội thực hiện xong hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo những đòi hỏi về việc giao tài sản nhằm mục đích chiếm đoạt.
- Về đồng phạm trong tội cưỡng đoạt tài sản
- Căn cứ theo Điều 17 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2018:
“Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
- Căn cứ theo Điều 54 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2018:
“Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”
- Căn cứ theo Điều 58 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”
Công ty luật TNHH Đức An
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH: Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT 090 220 1233 - 024.66544233
Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Email: luatsubichhao@gmail.com
Chi tiết liên hệ Luật sư đất đai: 090 220 1233