1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tranh tụng / Biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam

Biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 thì Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.


Nguyên tắc của việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm là tuân thủ Hiến pháp, bộ luật tố tụng Hình sự và các quy định pháp luật khác có liên quan; tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm; Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải cân nhắc hiệu quả, tính khả thi của việc thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm; Việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm  theo đúng quy trình, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng với Kho bạc nhà nước, cơ quan tài chính trong Quân đội; bảo đảm quyền được trả lại tiền của bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam đoan.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì những trường hợp nào thì được sử dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền để đảm bảo, thủ tục và thời hạn như thế nào? Sau đây Luật Đức An đưa ra một số những quy định pháp luật liên quan đến biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

  1. Điều kiện áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm

Biện pháp đặt tiền để bảo đảm căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

Những trường hợp bị can, bị cáo không được đặt tiền để bảo đảm được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT/BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC bao gồm:

- Bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

- Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;

-  Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã.

- Phạm nhiều tội;

- Phạm tội nhiều lần.

  1. Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm

Trước hết, Bị can, bị cáo, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền đề nghị bằng văn bản với cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo.

Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm gồm:

- Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

- Chứng cứ, tài liệu thể hiện tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can;

- Tài liệu xác định bị can hoặc người thân thích của bị can đã đặt tiền để bảo đảm;

- Giấy cam đoan của bị can về việc cam đoan thực hiện các nghĩa vụ

- Giấy cam đoan của người thân thích của bị can đối với trường hợp người thân thích của bị can đặt tiền để bảo đảm.

Bước 2: Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm

Sau khi nộp đơn đề nghị áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị và các giấy tờ có liên quan, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án có trách nhiệm xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này thì ra Thông báo cho bị can, bị cáo, người thân thích hoặc người đại diện của bị can, bị cáo để làm thủ tục đặt tiền để bảo đảm. Trường hợp thấy không đủ điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can, bị cáo thì phải thông báo bằng văn bản cho người đề nghị biết trong đó nêu rõ lý do.

Bước 3: Thực hiện việc đặt tiền để bảo đảm

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm, người được bị can, bị cáo ủy quyền, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất phải hoàn thành việc đặt tiền.

Trong trường hợp vì trở ngại khách quan hoặc lý do bất khả kháng mà không thể hoàn thành việc đặt tiền để bảo đảm đúng hạn thì thời hạn này được tính lại kể từ khi hết trở ngại khách quan hoặc lý do bất khả kháng không còn nữa.

Việc đặt tiền để bảo đảm được thực hiện như sau:

- Trường hợp nộp tiền tại Kho bạc nhà nước thì người được bị can, bị cáo ủy quyền, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mang theo Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm để Kho bạc Nhà nước kiểm tra và làm các thủ tục nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc của Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Người nộp lập 3 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản (theo mẫu của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách, Kho bạc). Trong đó, 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản để báo Có cho chủ tài khoản, 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản trả lại cho người nộp. Chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm tổng hợp các đương sự đã nộp tiền để bảo đảm gửi cho cơ quan đã ra Thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm.

Sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền, Kho bạc Nhà nước lưu 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản, trả 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản kèm Thông báo về việc đặt tiền để đảm bảo cho người nộp tiền, gửi 01 liên Giấy nộp tiền vào tài khoản cho chủ tài khoản tạm giữ để báo Có.

- Trường hợp nộp tiền tại cơ quan tài chính trong Quân đội thì cơ quan nhận tiền có trách nhiệm lập biên bản giao nhận tiền nộp, có chữ ký xác nhận của bên nộp tiền, bên nhận tiền.

Biên bản được lập thành 03 bản, trong đó 01 bản giao cho đại diện cơ quan ra Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm, 01 bản giao cho người nộp tiền, 01 bản lưu tại cơ quan tài chính đã lập biên bản.

Bước 4: Quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm

Trường hợp 1: Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được liên giấy nộp tiền vào tài khoản tạm giữ hoặc biên bản về việc nộp tiền quy định tại Điều 8 của Thông tư liên tịch này, Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này và gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị phê chuẩn. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, công văn đề nghị phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

Khi ra quyết định phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Viện kiểm sát phải quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn (hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay thế bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm).

Trách nhiệm gửi quyết định phê chuẩn đến cơ sở giam giữ thuộc về Cơ quan điều tra.

Trường hợp 2: Trong giai đoạn  truy tố, xét xử:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được liên giấy nộp tiền vào tài khoản tạm giữ hoặc biên bản về việc nộp tiền quy định tại Điều 8 của Thông tư liên tịch này, Viện kiểm sát phải ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này, Tòa án phải ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

Khi ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Viện kiểm sát, Tòa án phải quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn (hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay thế bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm) và gửi ngay quyết định đó đến cơ sở đang giam giữ bị can, bị cáo để thi hành.

3. Quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, quyết định của Viện kiểm sát phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm phải được giao cho bị can, bị cáo, người được bị can, bị cáo ủy quyền, người thân thích của bị can, bị cáo hoặc người đại diện của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, đồng thời, gửi cho cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ, cơ sở đang giam giữ bị can, bị cáo.

4. Thời hạn đặt tiền được tính theo thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Thời hạn đặt tiền đối với người bị kết án phạt tù được tính đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù. Trong trường hợp gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù thì thời hạn đặt tiền để bảo đảm được tính theo thời gian gia hạn điều tra, truy tố, xét xử, hoãn thi hành án phạt tù.

  1. Mức tiền đặt để bảo đảm

Tiền được đặt để bảo đảm là tiền mặt Việt Nam đồng, thuộc sở hữu hợp pháp của bị can, bị cáo hoặc của người đại diện hợp pháp của họ. Không được đặt tiền đang có tranh chấp, tiền đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, tiền có nguồn gốc bất hợp pháp để bảo đảm.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm cụ thể như sau:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, mức đặt tiền bảo đảm không dưới 30 triệu đồng;

- Đối với tội phạm nghiêm trọng, mức đặt tiền bảo đảm không dưới 100 triệu đồng;

- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, mức đặt tiền bảo đảm không dưới 200 triệu đồng;

Ngoài ra đối với các trường hợp Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước; Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng quy định nêu trên.

Lưu ý:

- Tiền được đặt để bảo đảm trong giai đoạn điều tra, truy tố được quản lý trong tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án tại Kho bạc Nhà nước;

- Tiền được đặt để bảo đảm trong giai đoạn xét xử được quản lý trong tài khoản tạm giữ của Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử sơ thẩm tại Kho bạc Nhà nước;

- Tiền được đặt để bảo đảm theo quyết định của Cơ quan điều tra trong quân đội, Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự được quản lý tại cơ quan tài chính tương ứng trong Quân đội.

  1. Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm

Việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

(1) Khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;

(2) Bị can, bị cáo bị bắt tạm giam về tội đã phạm trước khi áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm hoặc tiếp tục phạm tội;

(3) Bị can, bị cáo chết;

(4) Bị can, bị cáo đã chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan;

(5) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam;

(6) Bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm được thực hiện như sau:

- Đối với trường hợp (1), (2), (3) nếu vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định hủy bỏ; nếu vụ án trong giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

-  Đối với trường hợp (4), sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

- Đối với trường hợp (5), thì cùng với việc ra bản án, Hội đồng xét xử ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm;

- Đối với trường hợp (6) nếu vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định hủy bỏ và ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam; nếu vụ án trong giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và ra lệnh bắt bị can để tạm giam;

Lưu ý: Đối với trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn nếu vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định hủy bỏ, đồng thời, yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can, bị cáo; nếu vụ án trong giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ, đồng thời Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can.

Luật Đức An tổng hợp

Khuyến nghị: Luật sư hình sự Luật Đức An uy tín: 090 2201233