Quy định pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng - Tạp chí Nông thôn Mới tháng 7.2019
Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, rừng còn có giá trị vô cùng lớn đối với đời sống và sản xuất. Bởi lẽ đó, pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ để bảo vệ “lá phổi xanh” – nguồn tài nguyên vô giá này.
Để bảo vệ rừng pháp luật quy định ra sao? Ai được khoán và nhận khoán rừng? người có hành vi vi phạm dẫn đến cháy rừng bị xử lý ra sao? Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Để bảo vệ rừng, pháp luật có những quy định thế nào, thưa luật sư?
Như đã nói trên, vì rừng có tầm quan trọng rất đặc biệt nên Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực thi hành từ 01.01.2019) đã dành riêng một Chương (Chương IV) và nhiều văn bản dưới luật quy định việc bảo vệ rừng. Những quy định bảo vệ rừng trong Luật Lâm nghiệp gồm: Bảo vệ hệ sinh thái rừng (Điều 37); bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng (Điều 38); phòng cháy và chữa cháy rừng (Điều 39); phòng, trừ sinh vật gây hại rừng (Điều 40); lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng (Điều 41); kiểm tra nguồn gốc lâm sản (Điều 42); trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân (Điều 43).
Những điều luật trên quy định rất rõ nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân phải thực hiện trong việc bảo vệ rừng. Đơn cử, Điều 39 quy định việc phòng cháy và chữa cháy rừng nêu rõ: Chủ rừng phải lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mọi trường hợp sử dụng lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa vì mục đích khác, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; khắc phục hậu quả sau cháy rừng và báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời…
Và để bảo vệ rừng, Điều 9 Luật này còn quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp” như: Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng…Đồng thời những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay pháp luật quy định như thế nào về việc giao khoán rừng, thưa luật sư?
Khoán rừng ngoài mục đích kinh tế cũng là một trong các biện pháp để bảo vệ rừng. Khoán rừng được quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP. Theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định này thì: Khoán rừng là hình thức thỏa thuận thực hiện công việc trong hoạt động quản lý bảo vệ, sử dụng, sản xuất kinh doanh giữa bên khoán và bên nhận khoán trong một thời hạn nhất định.
Để được khoán rừng hoặc nhận khoán rừng thì bên khoán và bên nhận khoán phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại Điều 4, Nghị định trên, như:
- Bên khoán phải được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nông nghiệp và tài sản gắn liền trên đất theo quy định của pháp Luật về đất đai và pháp Luật về bảo vệ và phát triển rừng; có kế hoạch tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch và dự án về bảo vệ và phát triển rừng hoặc đề án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Bên nhận khoán: Cá nhân nhận khoán có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và trong độ tuổi lao động, đảm bảo thực hiện được hợp đồng khoán và không là thành viên trong hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư thôn đã nhận khoán…
Bên cạnh đó Nghị định 168/2016/NĐ-CP còn quy định: Đối tượng áp dụng; hình thức khoán; thời hạn, hạn mức và đơn giá khoán; trình tự, thủ tục khoán; quyền và trách nhiệm của bên khoán và nhận khoán…
Tạp chí Nông thôn mới Kỳ 2 tháng 7/2019
Tạp chí Nông thôn mới kỳ 2 tháng 7.2019
Thời gian qua xảy ra một số vụ cháy rừng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Vậy chế tài đối với người có hành vi vi phạm gây cháy rừng được quy định ra sao?
- Về xử phạt hành chính: Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng gây cháy rừng, bị xử phạt theo quy định tại Điều 17, Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra sẽ bị áp dụng mức xử phạt tương ứng. Mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Bên cạnh đó còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng.
- Nếu hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hình phạt thấp nhất đối với tội này là: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; hình phạt cao nhất đến 12 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hủy hoại rừng” theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)> Hình phạt thấp nhất đối với tội này là: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: hình phạt cao nhất là phạt tù đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm…
- Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)