Doanh nghiệp Lừa dối khách hàng bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Pháp luật hình sự hiện hành quy định Tội lừa dối khách hàng tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi lừa dối khách hàng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân qua việc vi phạm quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
Tội lừa dối khách hàng thuộc nhóm tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại thuộc chương XVIII các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Đặc điểm Tội lừa dối khách hàng người nào trong việc mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân đong đo đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối thuộc các trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm và thu lợi bất chính từ 5 triệu đến dưới 50 triệu.
* Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội này được quy định là hành vi lừa dối khách hàng. Đây là hành vi của người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ đối với khách hàng và được thực hiện bằng một trong các thủ đoạn sau:
- Cân, đong, đo, đếm gian dối: Đây là thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của khách hàng hoặc chuẩn bị các dụng cụ đo lường từ trước để cân, đong, đo, đếm thiếu cho khách hàng.
- Tính gian: Đây là thủ đoạn khi mua bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ đã tính tiền không đúng để lấy của khách hàng nhiều hơn số tiền đáng lẽ họ phải trả.
- Dùng thủ đoạn gian dối khác: đây là thủ đoạn gian dối ngoài cá thủ đoạn kể trên và có khả năng lừa dối được khách hàng gây thiệt hại cho họ.
Hành vi lừa dối khách hàng chỉ bị coi là tội phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên.
* Dấu hiệu mặt chủ quan của tôi phạm
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý.
Hình phạt đối với tội lừa dối khách hàng:
Tội lừa dối khách hàng được quy định với 02 khung hình phạt chính và 01 hình phạt bổ sung.
Khoản 1 có mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Khoản 2 có mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được quy định cho các trường hượp phạm tội có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo