1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tin tức hoạt động / Một số đề xuất hoàn thiện quy định giám định độ tuổi trẻ em trong tố tụng hình sự

Một số đề xuất hoàn thiện quy định giám định độ tuổi trẻ em trong tố tụng hình sự

LS PHẠM THỊ BÍCH HẢO ( Công ty luật TNHH Đức An) - Bài viết hướng tới việc đề xuất giải pháp căn cứ theo các giấy tờ pháp lý để chứng minh độ tuổi trẻ em. Trường hợp cần thiết giám định độ tuổi thì cần có sự tham gia của người giám hộ, luật sư, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên. Nếu kết luận giám định mâu thuẫn với các tài liệu liên quan thì cần giám định lại hoặc chỉ xem xét kết luận giám định là một nguồn chứng cứ.


29 tháng 11 năm 2020 21:44 GMT+7     0 Bình luận

Giám định độ tuổi trẻ em là phương pháp cần thiết trong các phương pháp nhằm xác đinh chính xác độ tuổi của bị can, bị cáo, bị hại trong vụ án liên quan đến trẻ em để nhằm truy tố, điều tra xét xử đúng người đúng tội, bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Trường hợp nào thì cần thiết giám định độ tuổi trong tố tụng hình sự. Một trong những nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

Trong những năm gần đây, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, các Tòa án đã đưa ra xét xử 6.585 vụ với 7.339 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em. Trong tổng số các vụ án đã đưa ra xét xử, số trẻ em là nạn nhân bị các tội phạm này xâm hại là 7.654 em (trong đó có 7.121 em nữ, 533 em nam).(5)

Các nạn nhân trong vụ án hình sự liên quan đến trẻ em gái phần lớn là các trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Giám định độ tuổi trẻ em rất cần thiết trong các trường hợp cần xác định độ tuổi bị hại trong các vụ án hiếp dâm, dâm ô trẻ em, giao cấu với trẻ em, hoặc xác định độ tuổi bị can bị cáo chưa thành niên. Tuy nhiên, trường hợp nào cần việc giám định cũng cần đáp ứng đúng quy định pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Quy định về giám định độ tuổi thuộc các trường hợp giám định tư pháp để đưa ra kết luận về chuyên môn về vụ việc hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Kết luận giám định là một trong những căn cứ để Toà án đưa ra quyết định vụ án. Trường hợp nào cần thiết phải giám định độ tuổi người bị hại, có nên bắt buộc phải giám định độ tuổi khi đã có đủ giấy tờ chứng minh độ tuổi.

1

.Thực tiễn giám định độ tuổi trẻ em trong vụ án hình sự

Tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo báo Nhân dân tính riêng trong năm 2018, cả nước có 1.547 vụ xâm hại thân thể trẻ em với hơn 1.579 trẻ bị xâm hại. Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi phạm tội nghiêm trọng, cần thiết lên án, trừng trị thích đáng, cũng như đòi hỏi cả xã hội và mọi người dân có trách nhiệm ngăn chặn, cảnh giác, đề phòng, dũng cảm lên tiếng bảo vệ chính mình và những người chung quanh.(8)

Theo Báo Lao động chỉ trong 3 ngày tháng 4 năm 2019 đã có nhiều vụ án xâm hại trẻ em diễn ra tại nhiều tỉnh thành. Cụ thể: Ngày 14/4, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đang khẩn trương điều tra 2 vụ hiếp dâm, trong đó có vụ hiếp trẻ em mới 12 tuổi.  Trước đó, ngày 13/4, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đang tạm giữ người đàn ông 41 tuổi để làm rõ nghi vấn xâm hại bé gái 10 tuổi trên địa bàn.Cũng trong ngày 13/4, theo thông tin từ Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang), cơ quan điều tra đã tạm giữ hình sự đối với Dương Văn Bình (SN 1978) trú tại thôn Giá, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng để điều tra, làm rõ về hành vi xâm hại một bé gái 7 tuổi.(9)

Theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã khởi tố và xử lý hình sự  36 vụ XHTD trẻ em, trong đó hiếp dâm 10 vụ, giao cấu với người dưới 16 tuổi 17 vụ, dâm ô 9 vụ.(10)

Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này còn gặp không ít khó khăn. Vì phần lớn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, khu vực dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp. Thủ đoạn phạm tội rất đa dạng, do người thân quen với nạn nhân dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi, hoặc lợi dụng sự thiếu quản lý, chăm sóc của gia đình, sự non nớt của trẻ em. Nhiều vụ do yêu đương và quan hệ tình dục khi nạn nhân dưới 13 tuổi. Việc xác định độ tuổi bị hại trong nhiều vụ án gặp khó khăn khi thiếu giấy tờ chứng minh độ tuổi bị hại hoặc khi có mâu thuẫn trong giấy tờ với các chứng cứ khác.

Nhiều vụ án với các kết quả giám định đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án trong các vụ án hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em. Đối với tội giao cấu  với trẻ em quy định tại   Điều 145 BLHS 2015 – Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Nếu bị hại từ 17 tuổi trở lên thì không phạm tội này. Vì vậy, việc xác định độ tuổi rất quan trọng.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian gần đây là do trước đó không kịp xử lý kịp thời, vướng mắc trong quá trình giám định,thời gian giám định thường kéo dài.

2.Quy định pháp luật hiện nay về giám định độ tuổi trẻ em

Luật Giám định tư pháp 2012 và văn bản hướng dẫn thi hành quy định giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Về thời gian giám định theo quy định tại Điều 22. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp

Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

Cơ quan giám định công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng. Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác.

2.1. Trường hợp nào thì cần giám định độ tuổi trẻ em

Quy định về giám định độ tuổi được cụ thể trong BLTTHS 2015 cụ thể tại Điều 206, trường hợp phải giám định tuổi được quy định tại khoản 2 như sau: 2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

Trong giai đoạn điều tra, Thủ trưởng cơ quan là người có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định. Để cần xác minh chính xác độ tuổi của người bị hại hay bị can, bị cáo, cách tính ngày tháng năm sinh được quy định cụ thể trong BLTTHS 2015 quy định như sau:

Điều 417. Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi

Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Căn cứ theo quy định trên, việc xác định độ tuổi do cơ quan tiến hành tố  tụng thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh, trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh, trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Việc xác định độ tuổi được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH như sau:

Điều 6. Phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi

Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a) Giấy chứng sinh; b) Giấy khai sinh; c) Chứng minh nhân dân; d) Thẻ căn cước công dân; đ) Sổ hộ khẩu; e) Hộ chiếu.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ.

Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.

Quy định hướng dẫn đã rất cụ thể để xác định tuổi cần căn cứ vào giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh. Khi đã có Giấy khai sinh thì cần căn cứ theo Giấy khai sinh, nếu có mâu thuẫn với các giấy tờ khác thì coi Giấy khai sinh là giấy tờ gốc để tính độ tuổi. Sau khi xác định chính xác ngày tháng năm sinh của bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét tuổi của bị hại ở thời điểm bị xâm hại vì điều này sẽ giúp xem xét quyết định tội danh, hình phạt đối với bị can, bị cáo.

Thực tiễn cho thấy, để xác định chính xác tuổi của bị hại là một vấn đề rất khó khăn đối cơ quan tiến hành tố tụng. Có trường hợp lời khai của bố, mẹ bị hại và giấy tờ, lý lịch trong hồ sơ về ngày, tháng, năm sinh là giống nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại thu được những chứng cứ chứng minh khác với tài liệu kể trên. Nhiều trường hợp khai sinh muộn cũng dẫn đến không chính xác năm sinh. Hoặc trường hợp không xác định được năm sinh của bị hại thì phải tiến hành giám định tuổi của họ. Nhưng kết quả giám định lại mâu thuẫn với tài liệu điều tra khác nên ít nhiều gặp khó khăn trong việc đánh giá, sử dụng tài liệu chứng cứ. Vì vậy, khi có mâu thuẫn về tuổi của bị hại cần phải điều tra, xác minh để xác định tuổi của bị hại một cách có căn cứ và chính xác ngày, tháng, năm sinh. Đầu tiên, cần xác định thông qua các giấy tờ tài liệu như Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sau đó cần lấy lời khai đại diện nhà trường, gia đình, tổ chức cá nhân nơi người bị hại lao động, sinh hoạt để thu thập căn cứ chứng minh độ tuổi chính xác.

Việc giám định độ tuổi trẻ em thông qua giám định xương, giám định răng thông qua quá trình phát triển của xương, răng theo từng thời kỳ là một căn cứ để trên cơ sở khoa học giúp cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở xem xét khách quan vụ án.

2.2.Thủ tục giám định độ tuổi trẻ em

Trong vụ án hình sự khi cần liên quan đến hoạt động điều tra, để có chứng cứ chứng minh có vụ việc phạm tội hay không, nếu các chứng cứ khác không đủ căn cứ, cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.Thời hạn giám định tư pháp trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 208 BLTTHS 2015. Theo đó: Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:  Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này. Cụ thể là trường hợp tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;

Giám định viên là người chịu trách nhiệm Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định; Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định; độc lập đưa ra kết luận giám định.

Về quy trình giám định độ tuổi được quy định tại Thông tư 47/2013/TT-BYT phần phụ lục về Giám định độ tuổi Hồ sơ giám định gồm: Quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định;  Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến nội dung cần giám định như: Giấy khai sinh, học bạ, hộ khẩu, ….; Các hồ sơ về y tế có liên quan đến nội dung giám định pháp y; Biên bản lời khai của người được giám định, cha mẹ, anh em và những người biết sự việc.

Theo thông tư thì ngoài khám cận lâm sang, việc chụp X quang để xác định độ tuổi, dựa theo phần mềm xác định về độ tuổi, kết quả khám lâm sang, kết quả kỹ thuật cận lâm sàng để đưa ra kết luận. Kết quả giám định được xem là nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự.

2.3. Đề xuất hoàn thiện pháp luật về giám định độ tuổi người bị hại là trẻ em.

Thứ nhất: Đối với trường hợp giám định độ tuổi trẻ cần kiểm tra thông tin giấy khai sinh và cần có giám sát của đại diện nhà trường, hoặc đại diện hội phụ nữ, đoàn thanh niên hoặc luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại để tránh trường hợp thay thế người giám định trong vụ án. Trong thực tế có những trường hợp thay thế người được giám định trong vụ án hiếp dâm trẻ em ví dụ như trường hợp Nguyễn Thị H. (SN 1978) là chị gái của Nguyễn Quốc T. (SN 1985, là bị can đang bị điều tra trong vụ án hiếp dâm trẻ em). Quá trình tìm hiểu, H. biết nếu nạn nhân trên 13 tuổi thì Nguyễn Quốc T. sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em Vì muốn em trai mình được nhẹ tội, Nguyễn Thị H. đã nhờ Hà Thị Q. đi giám định độ tuổi để thay thế nạn nhân trong vụ án hiếp dâm và được Hà Thị Q. đồng ý. Trong quá trình làm thủ tục đề nghị giám định tuổi như đơn xin giám định, các thủ tục khám sơ bộ như phim chụp X-Quang xương đầu, tay, chân và răng tại bệnh viện đều mang tên nạn nhân nhưng người được khám, giám định lại là Hà Thị Q. Bản kết luận giám định pháp y về độ tuổi kết luận nạn nhân có độ tuổi từ 14 năm 9 tháng đến 15 năm. Do đó, hành vi H. đưa Q. đi giám định để tạo ra bản kết luận về độ tuổi của nạn nhân là hành vi lừa dối cơ quan điều tra. Do đó, Nguyễn Thị H. đã phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo Điều 382, BLHS năm 2015. Đối với trường hợp đưa người đi giám định không phải là nạn nhân thì kết quả giám định sẽ bị huỷ.(7)

Thứ hai: Thời gian giám định lại với trường hợp giám định do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, nếu trường hợp kết luận giám định mà bị hại không đồng ý, trình tự thủ tục giám định lại vẫn chưa được quy định rõ trong BLHS 2015. Luật chưa quy định trong thời hạn bao lâu thì phải tiến hành giám định lại và sau bao lâu trả kết quả giám định lại vì vậy thực tiễn thực hiện việc giám định lại độ tuổi khi nghi ngờ kết luận lần đầu chưa chính xác sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Thứ ba: Thời gian nhận được kết luận giám định được quy định trong Luật là trong thời gian 7 ngày vẫn dài.

Hiện tại thời gian trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan. Quy định thời gian vẫn còn dài chưa đảm bảo thời gian giải quyết vụ án hình sự đặc biệt là vụ án liên quan đến đối tượng là trẻ em.

3.Đề xuất kiến nghị

Trong các vụ án xâm hại trẻ em, việc xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội cần tuân thủ quy định BLHS và BLTTHS. Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được pháp luật bảo vệ. Việc chứng minh bị hại có là trẻ em hay không phụ thuộc vào việc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được chính xác ngày tháng năm sinh của họ.

Thứ nhất, cần tuân thủ quy định pháp luật sẽ giảm đi các trường hợp đã có giấy tờ đủ xác minh độ tuổi trẻ em nhưng vẫn tiến hành giám định ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em, với gia đình có trẻ em bị xâm hại. Quá trình điều tra cần áp dụng quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

Thứ hai, cần phát huy vai trò của nhà trường, Đoàn thanh niên, các tổ chức cá nhân khác, luật sư trong xác minh chứng cứ chứng minh độ tuổi của người bị hại.

Thứ ba, trong trường hợp cần giám định thì phải kịp thời và có đại diện của gia đình, nhà trường, luật sư bảo vệ quyền lợi người bị hại chứng kiến việc lấy mẫu giám định để trẻ em, bị hại không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em.

Pháp luật với những quy định bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ em, nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Việc thực hiện những biện pháp điều tra, giám định độ tuổi trẻ em cần kịp thời, đúng quy định giảm thiểu thực hiện nhiều thủ tục làm ảnh hưởng đến người bị hại, gia đình trẻ em.

Đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, thu hút hơn 10.000 người tham gia. Ảnh: Thu Trang/VOV

1  Trần Thị Thu,Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và quá trình kiểm sát đối với loại tội phạm này: http://vkscantho.vn/vkscantho/index.php/news/VKSND-TP-Can-Tho/Toi-pham-xam-hai-tinh-duc-tre-em-va-qua-trinh-kiem-sat-doi-voi-loai-toi-pham-nay-2975/

Phương Quỳnh, Giám định xương để xác định tuổi: http://cand.com.vn/Xa-hoi/Giam-dinh-xuong-de-xac-dinh-tuoi-28600/

Rút kinh nghiệm về xác định độ tuổi người bị hại: https://vksndtc.gov.vn/tin-chi-tiet-5644

Thoát án tù nhờ giám định lại xương, Giang Phương: https://thanhnien.vn/thoi-su/thoat-an-tu-nho-giam-dinh-lai-xuong-874746.html

Phạm Thị Bích Ngọc, Quy định của pháp luật và thực trạng xét xử các vụ án xâm hại trẻ em và kiến nghị hoàn thiện: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quy-dinh-cua-phap-luat-va-thuc-trang-xet-xu-cac-vu-an-xam-hai-tre-em-va-kien-nghi-hoan-thien

Gia hạn xử lý vụ khai sinh tuổi 14, giám định thành 17: https://plo.vn/phap-luat/gia-han-xu-ly-vu-khai-sinh-tuoi-14-giam-dinh-thanh-17-891768.html

Gian dối thay thế người được giám định trong vụ án hiếp dâm trẻ em, phạm tội gì?: https://anninhthudo.vn/phap-luat/gian-doi-thay-the-nguoi-duoc-giam-dinh-trong-vu-an-hiep-dam-tre-em-pham-toi-gi/773258.antd

Khánh Minh, Ngăn chặn triệt để hành vi xâm hại trẻ em:  (https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/39902602-ngan-chan-triet-de-hanh-vi-xam-hai-tre-em.html

Tuệ Linh, Liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại trẻ em: Phải ngăn ngừa tội ác man rợ: https://laodong.vn/ban-doc/lien-tiep-xay-ra-cac-vu-xam-hai-tre-em-phai-ngan-ngua-toi-ac-man-ro-727919.ldo

Ngọc Mai, Nỗi lo xâm hại tình dục trẻ em: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/noi-lo-xam-hai-tinh-duc-tre-em-2450094/index.htm