Luật sư tư vấn về quyền thừa kế
Điều 609, Điều 610 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừ kế, theo đó, “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.” Căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 37 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh
1.Quyền thừa kế và quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân
Điều 609, Điều 610 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế, theo đó, “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”
Như vậy, theo quy định có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Người để lại di sản chỉ có thể là cá nhân nhưng người được hưởng di sản có thể bao gồm cả cá nhân và chủ thể không phải cá nhân (tổ chức, pháp nhân,...) trong trường hợp thừa kế theo di chúc. Ngoài ra, quy định quyền bình đẳng thừa kế của cá nhân thể hiện sẽ không có sự phân biệt giữa những người có quyền hưởng di sản về các vấn đề như giới tính nam nữ; con trong giá thú, con ngoài giá thú, con ruột, con nuôi; dân tộc; tôn giáo;...
2. Di sản thừa kế
Di sản là một trong những cơ sở để lập di chúc và xác định các vấn đề liên quan đến thừa kế. Theo quy định tại Điều 612 di sản bao gồm: Tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. (Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015).
Di sản còn bao gồm cả các quyền tài sản như: quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền đòi nợ, quyền thừa kế giá trị, quyền sử dụng nhà thuê của nhà nước. Mặt khác, di sản thừa kế không bao gồm nghĩa vụ của người chết. Do vậy, trong trường hợp người có tài sản để lại còn có cả nghĩa vụ về tài sản, thì thông thường phần nghĩa vụ này sẽ được thanh tóan bằng tài sản của người chết (khoản 1, Điều 615. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.). Phần còn lại sẽ được xác định là di sản thừa kế và được chia theo di chúc hay quy định của pháp luật. Theo đó, nghĩa vụ của người chết được thực hiện như sau: Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại tương ứng với phần tài sản mà mình đã nhận. Trong trường hợp di sản chưa được chia, thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo đúng thỏa thuận của những người thừa kế.
Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc, thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
3. Người thừa kế
Người thừa kế gồm có người thừa kế theo di chúc và người thừa kế theo pháp luật. Theo đó người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản .
Tuy nhiên trong một số trường hợp kể cả thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật, thì những người sau đây không có quyền được hưởng thừa kế: Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế nhằm hưởng một phần hoặc tòan bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền được hưởng. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc tòan bộ di sản trái với ý muốn của người để lại di sản. Nhưng những người có hành vi này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản.
Ngoài ra, căn cứ vào Điều 613 Bộ Luầt Dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Vậy, nếu tại thời điểm mở thừa kế của cha mẹ, con đã chết hoặc chưa thành thai thì sẽ không được hưởng thừa kế.
Bên cạnh đó, còn 02 trường hợp con không được hưởng thừa kế theo di chúc là (i) con không có tên trong di chúc thừa kế và (ii) con bị truất quyền thừa kế (theo khoản 1 Điều 626 Bộ Luật Dân sự 2015).
Để đảm bảo quyền lợi của một số người có quan hệ với người lập di chúc, pháp luật thừa kế cũng có những quy định hạn chế đối với quyền tự định đoạt của người lập di chúc. Theo đó, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”
Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015: “Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác; Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết; Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
4.Thời hiệu thừa kế
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, có 03 loại thời hiệu thừa kế như sau:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu (người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác); Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu theo quy định nói trên.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
5. Giải quyết tranh chấp về phân chia di sản thừa kế
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 37 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Lưu ý:
- Đối với những tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế là bất động sản, thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết (điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015).
- Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp (điểm c, b Điều 39 BLTTDS 2015).
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế:
Theo như quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 đã nêu thì:
-Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
-Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Theo đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Điều 611 BLDS năm 2015)
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp thừa kế:
+ Đơn khởi kiện (theo mẫu);
+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
+ Bản kê khai các di sản;
+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong hộ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (nếu có).
Thủ tục khởi kiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án
Căn cứ theo Điều 190, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Toà án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện
Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn
Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 3: Thụ lý vụ án
Căn cứ Điều 195, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thụ lý vụ án như sau:
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Bước 4: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau:
+ 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.
+ Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).
Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm:
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Trường hợp Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Cần tư vấn và Luật sư bảo vệ trong vụ kiện đất đai, chia thừa kế
Phí tư vấn và dịch vụ theo quy định văn phòng
Công ty luật TNHH Đức An
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc
Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT 090 220 1233 - 024.66544233
Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Email: luatsubichhao@gmail.com