1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Xuất khẩu gạo sang Liên minh Châu Âu theo quy định tại Nghị Định 103/2020.

Xuất khẩu gạo sang Liên minh Châu Âu theo quy định tại Nghị Định 103/2020.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Gạo của Việt Nam xuất sang nhiều nước trên thế giới với ưu điểm gạo sạch và thơm ngon. Việt Nam đã ký Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVFTA đã được đàm phán từ năm 2012 đến năm 2015 và chính thức được ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam. Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU, và mở ra cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Chính phủ đã ban hành Nghị Định 103/2020/NĐ – CP về quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu.


Để giúp bạn đọc hiểu rõ những điểm mới trong Nghị Định 103/2020/NĐ – CP về quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Hỏi: Những nội dung quan trọng được quan tâm trong Nghị định 103/2020/NĐ-CP ký ngày 04/09/2020 về chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, thưa luật sư?

- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 lập tức đã mở ra nhiều cơ hội cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có gạo. Theo đó, Hiệp định này cho phép 09 giống gạo thơm được miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU. Quy định cụ thể về chứng nhận gạo thơm được hưởng hạn ngạch khi xuất khẩu sang Châu Âu, Nghị định 103/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã có những quy định và hướng dẫn cụ thể về chứng nhận chủng loại gạo thơm được miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA.

Theo Điều 1 Nghị định 103/2020/NĐ-CP dẫn chiếu sang Danh mục quy định tại Điểm 8 tiểu mục 1 mục B phụ lục 2-A của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA), theo đó có 09 chủng loại gạo thơm được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch:

-Jasmine 85;

-ST 5;

- ST 20;

-Nàng Hoa 9;

-VĐ 20;

-RVT;

-OM 4900;

-OM 5451;

-Tài nguyên Chợ Đào.

Danh mục gạo thơm xuất khẩu có thể được sửa đổi bổ sung theo Quyết định của Ủy ban Thương mại của Hiệp định EVFTA. Cũng trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam đối với gạo là 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hạn ngạch 80.000 tấn gạo xuất khẩu vào EU hàng năm không do Việt Nam phân bổ mà EU sẽ trực tiếp phân bổ cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ. Trong đó, có 20.000 tấn gạo đã chà xát, 30.000 tấn gạo đã xay và 30.000 tấn gạo thơm, và chỉ cấp cho 23 chủng loại gạo thơm của Việt Nam được vào thị trường EU.

Hỏi: Luật sư có thể cho biết thêm điều kiện về giống và quy chuẩn để gạo thơm được xuất khẩu sang thị trường EU?

- Để hưởng ưu đãi hạn ngạch trên đối với giống gạo thơm, Nghị định 103/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ điều  kiện, trình tự, thủ tục để cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất sang EU. Tại Điều 4 Nghị định 103/2020/NĐ - CP quy định về chủng loại gạo thơm được chứng nhận cần đáp ứng 02 điều kiện sau:

Thứ  nhất, Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).

Thứ hai, Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.

Đối với quy định về kiểm tra lưu ruộng lúa thơm, yêu cầu lô ruộng lúa thơm được kiểm tra một lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch nhằm đảm bảo tính trạng của giống, còn ở góc độ về an toàn thực phẩm thì là kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và được lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định kèm theo Nghị định 103. Về phương pháp kiểm tra độ thuần giống của lô ruộng lúa thơm theo quy định được ban hành theo nghị định. Mỗi lô ruộng lúa thơm kiểm tra được ghi mã hiệu theo quy định tại phục lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP. Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo, hồ sơ chứng nhận chủng loại gạo thơm.

Hỏi: Về thẩm quyền, hồ sơ trình tự cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU luật sư cho biết cụ thể?

Nghị định 103/2020/NĐ - CP cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, trình tự, thời hạn cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm, trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xin và cấp phép. Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm là Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Về Hồ sơ cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm bà con nông dân và doanh nghiệp sản xuất gạo cần chú ý về mẫu đơn, biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm…về thời gian cấp khá nhanh cụ thể trong thời gian 5 ngày kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ thì Cục trồng trọt xem xét thẩm định và chứng nhận theo điều 7 Nghị Định. Cụ thể:

- Đơn đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

- Mẫu Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm được kê khai đầy đủ thông tin từ mục 1 đến mục 9 theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này;

-  Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này

Hỏi: Hiện nay, để biết được doanh nghiệp, cá nhân được cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm thì có thể xem thông tin công bố ở đâu ?

Theo quy định tại điều 13 Nghị Định 103/2020/NĐ - CP  thì Cục trồng trọt có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách tổ chức kiểm tra; tên tổ chức, cá nhân được chứng nhận chủng loại gạo thơm, Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm đã cấp hoặc hủy bỏ; Danh mục gạo thơm xuất khẩu được cập nhật sửa đổi, bổ sung theo Quyết định của Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA.

Nghị định 103/2020/NĐ-CP ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực như một bước chuẩn bị hành trang để gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng những ưu đãi hạn ngạch được triển khai trong thời gian dài. Những quy định nhằm bảo đảm được độ thuần và tính đúng giống của gạo thơm xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu xuất gạo thơm sang EU để được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch; phù hợp với định hướng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.