1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Nhiều điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Nhiều điểm mới trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Sau 5 năm thi hành, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số điểm vướng mắc, chưa phù hợp với tình hình mới. Do đó, Bộ LĐ, TB-XH đã dự thảo và đang lấy ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7. Bộ Luật Lao động có vai trò to lớn và tác động trực tiếp tới hàng chục triệu người lao động. Do đó, quy trình soạn thảo dự án sửa đổi Luật đã thực hiện kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến đa chiều, đảm bảo sự thấu tình đạt lý và tôn trọng quyền lợi người lao động. “Dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 gồm 221 điều. Ban soạn thảo đã sửa đổi về cơ bản dự thảo với nhiều nội dung lớn, đề cập tới các vấn đề chưa có tiền lệ, vấn đề nhạy cảm và luật hoá các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, dự thảo đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và những điều tốt nhất dành cho lao động nữ


1.Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa

Theo qui định Bộ luật Lao động hiện hành, số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, qui định này không  đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để cải thiện đời sống của một bộ phận người lao động. Do đó, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Theo đó, Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Tuy nhiên, Dự thảo quy định: Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

2. Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung Đề án cải cách chính sách BHXH của Ban cán sự Đảng Chính phủ; bảo đảm việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, Dự thảo đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi, 3 tháng đối với nam; và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam; và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Bộ LĐ, TB-XH cho biết, qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn Phương án 1, vì phương án này đáp ứng việc phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

3. Thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động (NLĐ)

Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và NLĐ làm việc trong các cơ quan nhà nước, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như sau:

Phương án 1: Bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

4. Bổ sung 1 ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7

Dự thảo đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27.7 dương lịch). Theo Bộ LĐ, TB-XH, việc có một ngày nghỉ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc mà còn là một thông điệp để thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau.

Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 01/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1.2019 của Chính phủ giao “Bộ LĐ, TB-XH nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả”, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch:

Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp".

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù"

5. Tăng tuổi nghỉ hưu

Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ từ năm 2021. Đề xuất này vấp phải sự phản đối từ những người lao động trực tiếp, nhất là công nhân may, giáo viên mầm non...

Tuổi  thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam, thậm chí có quốc gia tuổi nghỉ hưu là 70-75 tuổi.

Điều đó cho thấy tăng tuổi lao động đến thời điểm này là hợp lý, khi tuổi thọ của người dân tăng, sức lao động cũng tăng. Hiện nay, nhiều lĩnh vực người lao động phải nghỉ hưu sớm rất đáng tiếc như khoa học công nghệ, nghiên cứu, quản lý, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình dần dần nhằm phù hợp với tình trạng hiện nay, nhất là khi có một lực lượng lớn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm.

6. Quy định mới về mức lương tối thiểu

Dự thảo sửa đổi đã đưa ra khái niệm ngắn gọn hơn so với Luật hiện hành về lương tối thiểu: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường”.

Trong khi đó, khái niệm về lương tối thiểu trong Luật Lao động 2012 (hiện hành), ngoài thông tin trên còn được bổ sung thêm nội dung: “phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Thay vào đó, nội dung “đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” đã được Dự thảo chuyển thành 1 trong 5 tiêu chí mới xác định, điều chỉnh lương tối thiểu.

Doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương

Cũng tại Dự thảo quy định, người sử dụng lao động chủ động xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Mức lao động được hiểu là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức của người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động và công bố công khai tại nơi làm việc.

Về trả lương, Dự thảo quy định việc trả bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

Theo đó, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, gồm: Mức lương cơ bản; tiền trả làm thêm giờ và khoản tiền khác (nếu có); nội dung và tiền bị khấu trừ theo quy định tại của Bộ luật này.

Về nguyên tắc, người sử dụng lao động trả lương trực tiếp cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng mà không thể thực hiện trả lương trực tiếp, Dự thảo quy định người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Luật Đức An tổng hợp