1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / HỖ TRỢ ĐỐI VỚI LỢN BỊ TIÊU HỦY DO DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

HỖ TRỢ ĐỐI VỚI LỢN BỊ TIÊU HỦY DO DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi và vốn tín dụng cho người nghèo là hai vấn đề mà nông dân hiện nay đặc biệt quan tâm gủi thư về Tòa soạn Tạp chí Nông thôn mới đề nghị giải đáp đó là: • Lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi được Nhà nước hỗ trợ thế nào? Ai được hỗ trợ? Muốn được hỗ trợ phải có điều kiện gì và phải làm những thủ tục gì? … • Mới đây Nhà nước có chính sách nâng mức vay vốn cho hộ nghèo, vậy mức vay, thời hạn vay là bao nhiêu? Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty Luật Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội) để giải đáp vấn đề này


Thưa luật sư, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Vậy đối với lợn bị tiêu hủy do dịch này, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thế nào để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi?

Dịch tả lợn châu Phi đã không những gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xa hội, môi trường. Có người tiếc công, tiếc của mang lợn nhiễm bệnh ra khỏi vùng dịch để bán; thậm chí có người còn mang xác lợn chết vứt ra sông, suối…những hành vi đó gây lên hậu quả khôn lường. Để bù đắp một phần thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần hạn chế việc lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2017/NĐ-CP “về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Trong đó có quy định chính sách hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại do dịch bệnh. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 02 năm 2017.

Cụ thể, mức hỗ trợ đối với lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi là bao nhiêu, thưa luật sư?

Điểm b, khoản 4, Điều 5 Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định : “Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:

·       Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn”

Tuy nhiên để được hỗ trợ thì người chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

Điều kiện đó là gì?

Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

- Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

- Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

- Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

- Thời điểm xảy ra thiệt hại:

Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.

Để được nhận hỗ trợ, người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy phải làm thủ tục gì?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì trình tự và cách thức thực hiện như sau:

Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định;

- Hồ sơ xin hỗ trợ bao gồm:

- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có);

- Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.

* Nghị định này cũng quy định:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập hội đồng kiểm tra bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ chuyên môn của huyện, đại diện các tổ chức xã hội, đại diện thôn, bản, tổ dân phố để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và bố trí ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Nghị đinh này.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được áp dụng với những đối tượng nào?

Đối tượng áp dụng chính sách này được quy định tại Điều 2, Nghị định 02/2017/NĐ-CP, theo đó:

“Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Nghị định này.”

 

CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG MỚI ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO

Được biết, mới đây Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, cụ thể chính sách đó thế nào?

Ngày 22. 2.2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT “Về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”. Cụ thể như sau:

·       Nâng mức cho vay đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay.

·       Nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn.

Cũng theo Quyết định này, chính sách nêu trên được thực hiện từ ngày 1.3.2019

·       Các bạn lưu ý:

Căn cứ khoản 1, Điều 13,  Nghị định 78/2002/NĐ-CP  ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sánh khác thì “ Đối với Người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã;”.

Vốn vay phải sử dụng đúng mục đích, theo quy định tại khoản 1, Điều 14, Nghị định 78/2002/NĐ-CP. Đó là, sử dụng vốn vay để:

- Mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh;

- Góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)