Luật Trợ giúp pháp lý đối với hoạt động của luật sư
LSVNO - Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp pháp lý của luật sư là một hoạt động pháp lý mang ý nghĩa rất nhân văn, vừa thể hiện quyền và nghĩa vụ của những người hành nghề luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa, bình đẳng và dân chủ văn minh. Tham gia trợ giúp pháp lý là bổn phận, trách nhiệm của luật sư đối với xã hội.
Theo điểm d khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 thì thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong những nghĩa vụ của luật sư. Tại Điều 31 Luật Luật sư quy định khi thực hiện trợ giúp pháp lý luật sư phải tận tâm với người được trợ giúp như đối với khách hàng trong những vụ, việc có thù lao.
Tại Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định “Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước”. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhà nước và xã hội bảo đảm cho các đối tượng có khó khăn về kinh tế,đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, đối tượng được Nhà nước quan tâm bảovệ, nhằm giúp cho họ được bảo đảm các quyền tối thiểu về xã hội, được giảm bớt phần nào khó khăn, thua thiệt của họ.
Quy định luật sư có nghĩa vụ tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý 2017 tại điều 17 khoản 1 điểm b luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Luật sư bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây: thực hiện trợ giúp pháp lý; được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;
từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25, khoản 1 Điều 37 của Luật này và theo quy định của pháp luật về tố tụng; được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Nhằm góp phần nâng cao vai trò của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, Nghị định 144/2017/NĐ-CP, Thông tư 08/2017/TT-BTP đã có những quy định mới để tăng cường hơn nữa sự tham gia của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư vào hoạt động trợ giúp pháp lý. Trong số đó phải kể đến những điểm mới sau đây:
Thứ nhất, luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện trợ giúp pháp theo hợp đồng ký với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, không còn hình thức cộng tác viên trợ giúp pháp lý mà luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng ký với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước mang tính ràng buộc, nâng cao trách nhiệm với vụ việc trợ giúp.
Thứ hai, quy định cụ thể tiêu chuẩn đối với tổ chức hành nghề luật sư tham gia trợ giúp pháp lý
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, cụ thể hóa nội dung của Luật trợ giúp pháp lý 2017 thì Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và Thông tư 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý đã có quy định mới chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý: Sở Tư pháp sẽ tổ chức lựa chọn theo một quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Quy trình này được quy định cụ thể tại Thông tư 08/2018/TT-BTP. Căn cứ Điều 9 Thông tư 08/2018/TT-BTP, Sở Tư pháp đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của trung tâm dựa trên kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của năm trước, số lượng trợ giúp viên pháp lý, số lượng luật sư ký hợp đồng và nguồn lực khác của Trung tâm, kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, số lượng vụ án được xét xử của năm trước, tổng số người được trợ giúp pháp lý, biến động của dân số địa phương và các nội dung khác có tác động tới công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương để dự kiến số lượng tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Sau đó, Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn tổ chức gồm 03-05 thành viên là những người có kiến thức pháp luật, am hiểu hoạt động trợ giúp pháp lý để đánh giá hồ sơ và lựa chọn tổ chức ký hợp đồng trợ giúp pháp lý theo quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Thông tư 08/2017/TT-BTP.
Hiện nay, tổ chức hành nghề luật sư có thể hoạt động trợ giúp pháp lý khi ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp. Sự thay đổi này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, đảm bảo chế độ với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý.
Nghị định 144/2017/NĐ - CP có cơ chế trả thù lao cho các tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, mức thù lao đã được quy định cụ thể kèm với đó là thủ tục thanh toán rõ ràng. Đối với hình thức tham gia tố tụng, luật sư, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/buổi làm việc, nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Đối với hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc. Đối với hình thức tư vấn pháp luật theo phân công của lãnh đạo trung tâm, luật sư và cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08 - 0,15 mức lương cơ sở/01 văn bản tư vấn pháp luật, tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc.
Thứ tư: Các hình thức trợ giúp pháp lý của luật sư bao gồm:
- Tham gia tố tụng;
- Tư vấn pháp luật;
- Đại diện ngoài tố tụng.
Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng. Về thời gian cử luật sư trợ giúp pháp lý: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trường hợp người được trợ giúp pháp lý là người bị bắt, người bị tạm giữ yêu cầu cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm thụ lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý. Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong quản lý, giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư theo quy định của Luật này.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo