Quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương
LSVNO - Ngày 15/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Xem thêm:http://lsvn.vn/tro-giup-phap-ly/hoat-dong-tro-giup/quy-dinh-chi-tiet-luat-thuong-mai-va-luat-quan-ly-ngoai-thuong-26560.html
Nghị định quy định những nội dung sau:
Về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh
Nếu nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cần đáp ứng điều kiện: tiếp cận thị trường, có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động kinh doanh, không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngoài điều kiện có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động kinh doanh và không còn nợ thuế quá hạn, còn phải đáp ứng các tiêu chí sau: phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành, phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước, khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Bộ Công thương và bộ chuyên ngành xem xét, chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi đáp ứng tiêu chí phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, tiến trình đàm phán mở cửa thị trường của Việt Nam, chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam, quan hệ ngoại giao, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Thời hạn kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là 05 năm.
Thời gian cấp giấy phép kinh doanh
Trong thời gian 10 ngày kiểm tra điều kiện, nếu đủ điều kiện thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy phép. Trong thời gian 15 ngày, Bộ Công thương căn cứ vào các nội dung điều kiện kinh doanh để có văn bản chấp thuận cấp giấy phép kinh doanh, nếu từ chối phải có văn bản nêu rõ lý do.
Giấy phép kinh doanh được điều chỉnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nội dung điều chỉnh. Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được giấy phép kinh doanh đã điều chỉnh, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm hoàn trả giấy phép kinh doanh đã được cấp cho cơ quan cấp giấy phép.
Việc cấp lại giấy phép kinh doanh trong 2 trường hợp: khi chuyển địa điểm đặt giấy phép kinh doanh sang một tỉnh khác, giấy phép kinh doanh bị mất hoặc hư hỏng.
Thời gian cấp lại giấy phép kinh doanh trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Giấy phép kinh doanh bị thu hồi trong các trường hợp sau: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án có mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa bị thu hồi; nội dung kê khai trong hồ sơ cấp là giả mạo; ngừng hoạt động mua bán hàng hóa trong 12 tháng mà không báo cáo cơ quan cấp giấy phép; không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trong 24 tháng liên tiếp; không gửi báo cáo giải trình những vấn đề liên quan đến mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của cơ sở bán lẻ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về tạm ngừng hoạt động mua bán hàng hóa, chấm dứt hoạt động mua bán hàng hóa. Quy định chuyển tiếp tổ chức kinh tế nước ngoài chưa có giấy phép kinh doanh nhưng đã có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có điều chỉnh nội dung tại các giấy tờ trên phải làm thủ tục điều chỉnh.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 và thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo