Cậu bé 10 tuổi bị bố bạo hành rồi sẽ về ở với ai?
Cậu bé 10 tuổi bị bố bạo hành rồi sẽ về ở với ai?
10:14:36 09/12/2017
Liên quan đến vụ cậu bé 10 tuổi bị bố đẻ bạo hành dẫn đến rạn xương sườn, chấn thương sọ não. PV Tạp chí GĐ&TE đã trao đổi với Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội về những vi phạm luật pháp của người bố và việc chăm sóc cậu bé sau này,
Theo thông tin báo chí nêu, nếu người bố không cho con đi học, bạo hành con gây thương tích, không cho con gặp mẹ, theo luật đã vi phạm nghiêm trọng Luật Trẻ em 2016; Hiến pháp 2013; Điều 11 Luật Giáo dục 2005 sửa đổi, bổ sung 2009; Luật Hôn nhân và gia đình; Khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007…
Người bố không cho đi học đã vi phạm quyền học tập của trẻ và có thể xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức phạt đến 3 triệu đồng.
Hành vi đánh con gây thương tích có thể xem xét xử phạt hành chính theo khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000.
Nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự như tội cố ý gây thương tích. Tình tiết xâm hại đối với trẻ em cũng được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Căn cứ theo kết luận điều tra mới có căn cứ xem xét trách nhiệm của người bố theo Điều 104 Bộ luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Tùy theo mức độ thương tích mà áp dụng mức xử phạt dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm khi phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. Nêú phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Nếu căn cứ theo kết luận điều tra, giám định tỷ lệ thương tích chưa đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích thì có thể xem xét theo Điều 151, Bộ luật Hình sự. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Về việc người mẹ có được quyền nhận nuôi con sau khi cháu bé bị cha bạo hành hay không, theo Luật Hôn nhân gia đình và các bộ luật dân sự khác có liên quan, sau ly hôn nếu người chồng/vợ vi phạm các nghĩa vụ về chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng… của người được tòa án trao quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn thì vợ/chồng, người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ có quyền đề nghị tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Việc thay đổi quyền nuôi con là cần thiết khi chứng minh việc người đang trực tiếp nuôi dưỡng không đủ khả năng, điều kiện và có những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con.
Người đề nghị nuôi con phải có các điều kiện tốt nhất về: kinh tế; chỗ ở; môi trường sống; các điều kiện khác chứng minh sự ổn định và bảo đảm tốt nhất khi được trược tiếp nuôi con, bảo đảm quyền lợi mọi mặt của cháu bé. Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Người mẹ có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết việc thay đổi quyền nuôi con kèm căn cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu trên.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (GĐ&TE)