1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Quy định xử phạt hành vi kinh doanh hàng giả?

Quy định xử phạt hành vi kinh doanh hàng giả?

LSVNO –Lực lượng liên ngành Công an - Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra hành chính cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện sản phẩm khăn vuông lụa tơ tằm có nhãn gốc xuất xứ “Made in China” và khâu, đính nhãn “Khaisilk - Made in Việt Nam” để bán cho khách hàng. Vậy việc kinh doanh hàng giả bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định nào của pháp luật? (Bạn đọc N.T.N.)


Từ thông tin trên, hành vi kinh doanh hàng giả, cụ thể là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Hành vi buôn bán nhãn gốc có xuất xứ “Made in China” và khâu, đính nhãn “Khaisilk - Made in Việt Nam” để bán cho khách hàng đã vi phạm Nghị Định 185/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 13 Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ quy định trên đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này. Theo đó, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Người sản xuất, buôn bán hàng giả, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự - tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

 Đối với “Tội sản xuất buôn bán hàng giả” thì tội phạm này xâm phạm đến tính trung thực, sự hoạt động đúng đắn của các chủ thể sản xuất kinh doanh, đồng thời xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp (người phạm tội biết rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng với động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện).

Theo Điều 156 BLHS, có 3 khung hình phạt đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả: Khung 1 phạt tù từ sáu tháng đến năm năm đối với người sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các Điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2 phạt tù từ ba năm đến mười năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:  Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo Luật bảo vệ  quyền lợi người tiêu dùng Điều 10. Các hành vi bị cấm:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Căn cứ quy định trên, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ  cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp là hành vi bị cấm theo đó tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo

 (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)