Thẩm quyền của ĐHĐCĐ hay HĐQT?
17/11/2019 05:00 GMT+7
Công ty tôi là Công ty Cổ phần có vốn điều lệ 120 tỷ. Gần đây công ty đã góp cổ phần vào 1 công ty dự án A là 40 tỷ. điều lệ.
1. Công ty quy định thẩm quyền của ĐHĐCĐ quyết định các vấn đề đầu tư có giá trị lớn hơn 50% giá trị tài sản ghi trong. Báo cáo tài chính gần nhất. Vậy nghị quyết cử người đại diện phần vốn góp của công ty thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT đúng không?
2. Công ty dự án A tiến hành thủ tục vay ngân hàng và Ngân hàng yêu cầu bên công ty tôi cam kết sẽ phải góp số tiền 35 tỷ (ngoài 40 tỷ đã góp) và cam kết phải trả nợ thay công ty dự án A trong trường hợp công ty thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ với Ngân hàng. Vậy trong trường hợp này thẩm quyền ban hành văn bản thuộc ĐHĐCĐ hay HĐQT?
Thứ nhất: Thẩm quyền của Hội đồng quản trị
Nghị quyết cử người đại diện phần vốn góp của công ty thuộc thẩm quyền quyết định của HĐQT là đúng. Theo quy định tại điểm i khoản 2 điều 149 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
Điều 149. Hội đồng quản trị
2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
i) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định, tiền lương và quyền lợi khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;
Theo quy định này, HĐQT sẽ có thẩm quyền ra văn bản cử người đại diện theo ủy quyền tham gia HĐTV hoặc ĐHĐCĐ ở công ty khác (công ty dự án A).
Thứ hai: Thẩm quyền góp vốn trên 50% giá trị tài sản công ty.
Để biết thẩm quyền ban hành văn bản thuộc ĐHĐCĐ hay HĐQT cần dựa vào tỷ lệ giá trị so với tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Bạn chỉ cung cấp thông tin về vốn điều lệ mà không cung cấp giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Vì vậy, bạn có thể tham khảo các quy định về thẩm quyền của ĐHĐCĐ và thẩm quyền của HĐQT được quy định tại các điều 135, 149, 162 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
Điều 135. Đại hội đồng cổ đông
2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;
Điều 149. Hội đồng quản trị
2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng và giao dịch quy định, tại điểm d khoản 2 Điều 135, khoản 1 và khoản 3 Điều 162 của Luật này;
Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận
2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.
3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận các hợp đồng và giao dịch khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này.
Trong trường hợp khoản đầu tư có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty thì thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội