Tin nhắn trên điện thoại, facebook có là căn cứ để đòi nợ?
(Kiemsat.vn) - Tôi cho một người bạn vay 50 triệu (có ghi giấy vay nợ), sau đó, tôi lại cho người bạn ấy vay thêm 50 triệu đồng nhưng không làm giấy biên nhận mà chỉ xác nhận vay mượn qua tin nhắn điện thoại và facebook. Cả 2 lần cho vay, tôi đều chuyển tiền qua ngân hàng. Hiện tại, người bạn này cố...
Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời bạn như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 94, khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
"Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử".
Như vậy, tin nhắn điện thoại nếu không qua các thủ thuật gian lận, chỉnh sửa thì được xem là chứng cứ.
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định"... Như vậy, đến hạn, người bạn đó có nghĩa vụ phải hoàn trả cho bạn các khoản vay.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn cho vay hai lần với tổng số tiền là 100 triệu. Đến hạn người bạn kia có biểu hiện trốn tránh và cố tình không trả nợ. Hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Như vậy, bạn có quyền gửi đơn tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp quận, huyện nơi người vay cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong đơn tố cáo, bạn cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở (nội dung tin nhắn trên điện thoại, qua facebook, số điện thoại, địa chỉ facebook... giấy chuyển tiền qua ngân hàng).