1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tranh tụng / Tranh chấp thương mại những nội dung cần lưu ý

Tranh chấp thương mại những nội dung cần lưu ý

Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, các tranh chấp thương mại có thể phân thành năm loại: (1) tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; (2) tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; (3) tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; (4) tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; (5) các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.


Theo quy định pháp luật, các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài. Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của trọng tài viên với kết quả cuối cùng là phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Tùy vào từng phương thức giải quyết tranh chấp thương mại sẽ mang những đặc điểm, tính chất cũng như ưu, nhược điểm khác nhau. Với sự phát triển của xã hội, trọng tài thương mại quốc tế được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp trong tương lai với nhiều ưu điểm nổi trội. Do vậy, Việt Nam muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới một cách nhanh chóng và bền vững thì phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về trọng tài nói riêng cho phù hợp với xu thế phát triển chung. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước cũng cần có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ cơ chế cho hoạt động này. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài cũng cần đến cơ chế phối hợp từ các cơ quan nhà nước, trực tiếp là hệ thống tòa án, đặc biệt trong việc cưỡng chế thi hành phán quyết cũng như công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Hiệu quả hoạt động của trọng tài còn phụ thuộc vào thái độ của các chủ thể kinh doanh. 

 Luật sư giữ vai trò quan trọng không chỉ trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả mà còn trong việc hướng dẫn khách hàng lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Khi có tranh chấp diễn ra có rất nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp khác nhau (các phương thức như thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án). Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Và mỗi vấn đề tranh chấp có thể đòi hỏi một phương pháp giải quyết khác nhau tùy thuộc vào tính chất của tranh chấp và mục tiêu của khách hàng.

• Luật sư là người trực tiếp hỗ trợ khách hàng, nắm được thông tin, hồ sơ vụ việc cũng như thấu hiểu được mong muốn, mục tiêu của khách hàng. Từ đó, cùng với kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm được tích lũy, Luật sư có thể đưa đề xuất phương án giải quyết tối ưu nhất đối với vụ việc. Với sự hỗ trợ của Luật sư, việc lựa chọn được phương thức phù hợp chính là chìa khóa để giải quyết tranh chấp.

• Bên cạnh đó Luật sư có thể hỗ trợ tư vấn các phương thức để hướng tới giải quyết vụ việc hiệu quả và đạt được kết quả tối ưu nhất.

Công ty luật TNHH Đức An

VĂN PHÒNG GIAO DỊCH: Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT 090 220 1233 

Web: www.luatducan.vn

Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Email: luatsubichhao@gmail.com