Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu quận Cầu Giấy
Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ) là mối quan tâm hàng đầu của người dân khi tham gia giao dịch mua bán nhà, đất. Tuy nhiên, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cần nhiều thời gian thẩm định hồ sơ và giải quyết. Hiểu được tính cấp thiết nhu cầu cấp sổ đỏ lần đầu của khách hàng, Công ty Luật Đức An trân trọng gửi tới Quý khách hàng thông qua bài viết “Luật sư tư vấn thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu tại quận Cầu Giấy”.
I, Căn cứ pháp lý:
-
Luật Đất đai 2013;
-
Nghị định 43/2014/NĐ -CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
-
Thông tư 24/2014/TT-BTNMT
-
Nghị định 01/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
-
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT
II, Điều kiện để cấp sổ đỏ tại quận Cầu Giấy:
Căn cứ theo Điều 100, Điều 101 Luật Đất đai 2013; Nghị định 43/2014 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Đất có giấy tờ về quyền sử đụng đất và Đất không có giấy tờ
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có giấy tờ
Trường hợp 1: Có giấy tờ và không phải nộp tiền sử dụng đất
Căn cứ khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau thì được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất, bao gồm:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15/10/1993.
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993.
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ
Ngoài ra, khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013 còn quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ như trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác được cấp giấy chứng nhận nếu có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất (như hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho,...) có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 01/7/2014 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất
- Đất không có tranh chấp.
Trường hợp 2: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng có thể phải thực hiện nghĩa vụ tài chính
Lưu ý: Nghĩa vụ tài chính không chỉ là tiền sử dụng đất mà nghĩa vụ tài chính gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp và lệ phí trước bạ (theo khoản 1 Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
- Theo khoản 3 Điều 100 Luật Đất đai 2014, hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận.
Trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Khoản 4 Điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp Giấy chứng nhận.
Trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ
Tình trạng hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất mà không có giấy tờ rất phổ biến (như đất khai khoang, đất do ông cha để lại,…) thì vẫn được cấp giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện. Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà có những điều kiện khác nhau.
Trường hợp 1: Không phải nộp tiền sử dụng đất
Lưu ý: Dù không phải nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải đóng lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận,…
Theo khoản 1 Điều 101 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 mà không có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất nếu có đủ điều kiện sau:
- Có hộ khẩu thường trú tại địa phương.
- Trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Trường hợp 2: Có thể phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nếu chưa thực hiện (tùy vào từng trường hợp mà hộ gia đình, cá nhân có thể phải nộp tiền nếu chưa nộp)
Theo khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ được cấp giấy chứng nhận nếu có đủ điều kiện sau:
- Đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004.
- Không vi phạm pháp luật về đất đai.
- Nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch.
Trường hợp 3: Điều kiện cấp giấy chứng nhận khi sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014
Căn cứ khoản 5 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất lấn, chiếm được cấp giấy chứng nhận khi có đủ điều kiện sau:
- Đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
- Đất không có tranh chấp.
III, Hồ sơ làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu tại quận Cầu Giấy:
Khi tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ, người dân cần chuẩn bị hồ sơ, bao gồm:
-
Đơn đăng ký cấp sổ đỏ theo Mẫu số 04a/ĐK;
-
Các giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:
Lưu ý: Đối với trường hợp không có giấy tờ về đất, hồ sơ gồm:
+ Xác nhận của UBND phường về sử dụng đất ổn định và lâu dài;
+ Xác nhận của UBND phường về việc không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch
-
Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính, giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất;
+ Biên lai nộp thuế, tiền sử dụng đất;
+ Giấy tờ miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có)
+ Trích lục đo đạc thửa đất, bản mô tả mốc giới với các thửa đất liền kề
-
Giấy tờ cá nhân, bao gồm:
+ CMT/CCCD của người sử dụng đất;
+ Giấy khai sinh của người sử dụng đất
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu có);
+ Văn bản xác nhận tài sản riêng (nếu có)
-
Tờ khai lệ phí trước bạ;
-
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
-
Văn bản uỷ quyền (nếu có)
IV, Thủ tục làm sổ đỏ tại quận Cầu Giấy
Bước 1: Nộp hồ sơ:
-
Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp hồ sơ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cầu Giấy.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ:
Trường hợp 1: Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ
Thời hạn cấp sổ đỏ (Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP)
-
Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
-
Thời hạn cấp sổ đỏ không tính các khoảng thời gian:
+ Các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật;
+ Thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã;
+ Thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật;
+ Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất
-
Nhận phiếu tiếp nhận hồ sơ (trong đó có ghi ngày hẹn trả kết quả)
Trường hợp 2: Hồ sơ chưa đầy đủ, cần bổ sung
-
Hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì thông báo và hướng dẫn cho người dân nộp hồ sơ bổ sung
Bước 3: Đo đạc, xác minh bản đồ địa chính
-
Trường hợp chưa có bản đồ địa chính, cần tiến hành đo đạc, xác minh thửa đất, tài sản gắn liền với đất
-
Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ đăng ký, xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào đơn đăng ký
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Người dân cần lưu ý:
-
Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản phí, lệ phí: Thuế thu nhập cá nhân, Lệ phí trước bạ, Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất.
-
Lưu ý: khi nộp tiền xong thì người dân cần giữ hoá đơn, chứng từ để xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận
-
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được nhận khi đã nộp xong các khoản tiền trên trừ trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất
Bước 4: Trả kết quả:
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Giấy chứng nhận cho cá nhân, hộ gia đình
đã thực hiện xong thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
V, Chi phí khi làm thủ tục cấp sổ đỏ tại quần Cầu Giấy:
Tuỳ từng trường hợp theo quy định pháp luật cần chuẩn bị nộp tiền sử dụng đất
Mức lệ phí trước bạ phải nộp khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là 0,5% (Căn cứ theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP và Thông tư 13/2022/TT-BTC)
-
Phí thẩm định hồ sơ
-
Thuế thu nhập cá nhân
-
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
-
Phí đo đạc thửa đất: Tuỳ theo đơn vị cung cấp dịch vụ đo đạc quyết định
Công ty luật TNHH Đức An
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc
Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT 090 220 1233 - 024.66544233
Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Email: luatsubichhao@gmail.com
Chi tiết liên hệ Luật sư đất đai: 090 220 1233