1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tin tức hoạt động / Thủ tục đấu thầu mới nhất

Thủ tục đấu thầu mới nhất

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Luật sư tư vấn về đấu thầu: 090 220 1233.


Theo quy định của pháp luật thì những trường hợp phải thực hiện thông qua quy trình đấu thầu đó là: Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp; Lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án; Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất; Và lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, trừ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí.

Quy trình đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn. Để các bên tham gia dự thầu và bên mời thầu hiểu rõ về quy trình đấu thầu theo quy định pháp luật, Luật Đức An đưa ra những quy định cụ thể về quy trình đấu thầu để quý khách hàng nắm rõ như sau:

  1. Điều kiện tham gia đấu thầu

Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;

- Hạch toán tài chính độc lập;

- Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;

- Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

- Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật Đấu thầu;

- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;

- Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

- Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Đối với nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

- Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;

- Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

- Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định ttrên được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh; trường hợp liên danh phải có văn bản thỏa thuận giữa các thành viên, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh.

2. Quy trình lựa chọn nhà thầu

Trong các hình thức lựa chọn nhà thầu thì có các hình thức phổ biến như sau: Đấu thầu rộng rãi, Đấu thầu hạn chế, Chỉ định thầu, Chào hàng cạnh tranh, Mua sắm trực tiếp,...

Theo quy định tại Luật Đấu thầu thì có 4 phương thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ,  Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ.

3. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ là Nhà thầu, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, phương thức này được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ;

- Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp;

- Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

- Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa;

- Chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Quy trình chi tiết kh thực hiện theo phương thức này được hướng dẫn tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:

Bước 1:  Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Lập hồ sơ mời thầu; Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Mời thầu; Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu; Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu; Mở thầu.

Bước 3: Đánh giá hồ sơ dự thầu, bao gồm: Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; Đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu; Xếp hạng nhà thầu.

Bước 4: Thương thảo hợp đồng.

Bước 5:Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

Bước 6: Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

4. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ là việc Nhà thầu, nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và v iệc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá. Phương thức này được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

- Đấu thầu rộng rãi đối với lựa chọn nhà đầu tư.

Quy trình thực hiện phương thức này được quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Lựa chọn danh sách ngắn (nếu cần thiết); Lập hồ sơ mời thầu; Thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Mời thầu; Phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu; Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu; Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.

Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm: Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; Phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

Bước 4: Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính, bao gồm: Mở hồ sơ đề xuất về tài chính của các nhà thầu trong danh sách được duyệt; Kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính; Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về tài chính; Xếp hạng nhà thầu.

Bước 5: Thương thảo hợp đồng.

Bước 6: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu.

Bước 7: Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

5. Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp. Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật, phương án tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng chưa có giá dự thầu. Trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia giai đoạn này sẽ xác định hồ sơ mời thầu giai đoạn hai. Trong giai đoạn hai, nhà thầu đã tham gia giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu.

6. Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù. Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Trên cơ sở đánh giá đề xuất về kỹ thuật của các nhà thầu trong giai đoạn này sẽ xác định các nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật so với hồ sơ mời thầu và danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu được mời tham dự thầu giai đoạn hai. Hồ sơ đề xuất về tài chính sẽ được mở ở giai đoạn hai.  Trong giai đoạn hai, các nhà thầu đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai tương ứng với nội dung hiệu chỉnh về kỹ thuật. Trong giai đoạn này, hồ sơ đề xuất về tài chính đã nộp trong giai đoạn một sẽ được mở đồng thời với hồ sơ dự thầu giai đoạn hai để đánh giá.

Như vậy, đối với mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức lựa chọn nhà thầu sẽ áp dụng cho các trường hợp khác nhau và quy trình thực hiện khác nhau.

6. Dịch vụ tư vấn quy trình thực hiện đấu thầu Công ty Luật TNHH Đức An

- Tư vấn quy trình đấu thầu cho bên mời thầu

- Tư vấn tham gia đấu thầu cho bên dự thầu

- Tư vấn tổ chức đấu thầu qua mạng

              - Tư vấn điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu

- Tư vấn thời gian trong đấu thầu.

- Tư vấn xử lý tình huống trong đấu thầu

Phí tư vấn: 500.000 đồng - 1.000.000 đồng/ giờ tư vấn

Hình thức tư vấn: Trực tiếp tại văn phòng hoặc trả lời tư vấn qua điện thoại

Để được nắm bắt rõ hơn về quy trình đấu thầu cũng như các vấn đề pháp lý liên quan trong đấu thầu, Quý khách hàng vui lòng liên hệ để đặt lịch tư vấn:

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỨC AN

Giám đốc: Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Hotline: 0902.201.233

Địa chỉ: 64B, Nguyễn Viết Xuân, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT liên hệ:  090.220.1233

Email:  luatsubichhao@gmail.com

Web: www.luatducan.vn