Khi ba mẹ tôi mất anh chị em chúng tôi gồm 06 người lập bảng phân chia tài sản thừa kế nội bộ chỉ có người cậu làm chứng. Sau đó chúng tôi đã thực hiện theo đúng bảng thỏa thuận này.
Chị tôi - em gái tôi đứng tên chung trên sổ hồng nhà từ đường theo bảng thỏa thuận phân chia tài sản. Nay em gái tôi lại yêu cầu bán nhà từ đường chia đều làm 3 phần. Vậy đúng hay không? Rất mong Luật sư hỗ trợ. Xin cảm ơn.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về phân chia di sản thừa kế
Ba mẹ bạn mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được lập thành văn bản công chứng theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014 về Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì:
1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”
Trường hợp của gia đình bạn, văn bản thỏa thuận của gia đình bạn không có giá trị pháp lý vì chưa được công chứng theo quy định.
Thứ hai, về việc em gái bạn yêu cầu chia quyền sử dụng đất.
Theo thông tin bạn cung cấp căn nhà đã có sổ hồng là đứng tên chung của 2 chị em bạn nên theo theo quy định tại Điều 218 Bộ luật dân sự năm 2015 Định đoạt tài sản chung.
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
Em bạn chỉ được quyền bán mảnh đất khi có sự đồng ý bằng văn bản của các đồng sở hữu. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.