1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Hỏi đáp pháp luật / Chính sách hỗ trợ người nông dân khi xảy ra thiên tai Tạp chí Nông thôn mới tháng 8.2019

Chính sách hỗ trợ người nông dân khi xảy ra thiên tai Tạp chí Nông thôn mới tháng 8.2019

Pháp luật quy định thế nào về hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai? Cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương như Điện Biên, Sơn La…. Nhiều thiệt hại về lúa, hoa màu, cây trồng, gia cầm, cá đối với nhiều hộ gia đình. Vậy Nhà nước có chính sách hỗ trợ thế nào để nông dân khôi phục sản xuất ? Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này. Những đối tượng nào được hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai?


Nghị Định 02/2017/NĐ – CP quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai tại Điều 2. Đối tượng áp dụng

Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh.

Căn cứ theo quy định trên thì có 7 đối tượng bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh được hỗ trợ do thiệt hại của các loại hình thiên tai trong đó có hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, chủ trang trại…

Nguyên tắc hỗ trợ về khôi phục sản xuất nông nghiệp cụ thể thế nào, thưa luật sư?

Như đã phân tích ở  trên, để đảm bảo việc hỗ trợ sản xuất vùng bị thiệt hại được khách quan,  đúng đối tượng Nghị Định  02/2017/NĐ – CP  có 4 nguyên tắc hỗ trợ.

1. Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại).

2. Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương.

3. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng.

4. Trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, hộ sản xuất chỉ được nhận hỗ trợ một chính sách phù hợp nhất.

Với quy định nêu trên đã thể hiện quan tâm của Nhà nước đến những trường hợp bị thiệt hại bằng giống, cây, con, hiện vật hoặc bằng tiền phù hợp với từng địa phương.

Điều kiện nào để được hỗ trợ ? Có phải thuộc đối tượng được hỗ trợ và có thiệt hại là được Nhà nước hỗ trợ?

Nhà nước quy định việc hỗ trợ thiệt hại sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai . Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:

1. Sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

2. Có đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung (trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã) và nuôi trồng thủy sản (theo Mẫu số 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có). Các hộ chăn nuôi tập trung kê khai trong thời gian 15 ngày kể từ khi bắt đầu chăn nuôi; trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản kê khai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào kê khai. Các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

3. Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

4. Thời điểm xảy ra thiệt hại:

a) Đối với thiên tai: Trong thời gian xảy ra thiên tai trên địa bàn được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận;

b) Đối với dịch bệnh: Trong khoảng thời gian từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch.

Với các hộ sản xuất  thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện nêu trên. Đặc biệt khi xảy ra thiệt hại các hộ hoặc chủ trang trại cần được Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương xác nhận. Đối với dịch bệnh thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch. Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Mức hỗ trợ cụ thể  đối với cây trồng, đối với nuôi gia súc, gia cầm được quy định thế nào?

Hỗ trợ đối với cây trồng: Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.

Hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm do thiệt hại do thiên tai:

Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con;

Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 300.000 - 400.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 450.000 - 1.000.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;

Đối với trường hợp thiệt hại đối với diện tích lúa mức hỗ trợ tối đa đến 30 triệu đồng/ha, đối với vật nuôi hỗ trợ theo con ví dụ như lợn hỗ trợ tối đa đến 2 triệu/con.

Để nhận được hỗ trợ do sản xuất bị thiệt hại, người dân cần nộp những hồ sơ gì?

Để nhận được hỗ trợ người dân cần nộp hồ sơ xin hỗ trợ:

- Đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo các Mẫu số 1, 2, 3, 4 và 5 tại Phụ lục I ban hành kèm theo; kèm theo Bản kê khai sản xuất ban đầu theo Mẫu số 6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu có);

-  Bảng thống kê thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai có xác nhận của thôn, bản, khu dân cư.

Người dân cần liên hệ với cơ quan nào để được nhận hỗ trợ, thưa luật sư?  

Đối với dịch bệnh, khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết theo quy định;

Hỗ trợ thiệt hại đối với thiên tai: Khi bị thiệt hại, các hộ sản xuất phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp lên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã để phối hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp giải quyết theo quy định.

Cảm ơn luật sư!

    Lê Chiên (thực hiện)