Luật sư Phạm Thị Bích Hảo với tạp chí Nông thôn mới Tháng 9.2018
Pháp luật quy định thế nào về hương ước, quy ước?
Trong nhiều năm qua việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó hương ước đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình, tự đặt ra các khoản thu …Để khắc phục tình trạng này, ngày 08 tháng 5 năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 22/2018/QĐ-TTg “về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước”. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Theo Quyết định này thì hương ước, quy ước phải đảm bảo những yếu tố nào là phù hợp với quy định của pháp luật? Trình tự thủ tục xây dựng hương ước, quy ước ra sao?...Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội ) xung quanh vấn đề này.
Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật thì thế nào được gọi là hương ước, quy ước?
Điều 2 Quyết định số: 22/2018/QĐ-TTg định nghĩa hương ước, quy ước như sau: “Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Quyết định này.”
Từ khái niệm trên ta thấy rằng, một hương ước, quy ước đảm bảo đúng quy định của pháp luật phải đáp ứng 3 yếu tố sau:
· Về hình thức: Là văn bản
· Về Nội dung: chứa đựng một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.
· Về trình tự, thủ tục: Do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập. Và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Trình tự, thủ tục bàn, biểu quyết thông qua hương ước, quy ước thực hiện theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Vậy việc xây dựng hương ước, quy ước phải dựa trên nguyên tắc nào?
Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được quy định tại Điều 4 Quyết định trên. Theo đó, việc xây dựng hương ước, quy ước phải thực hiện 5 nguyên tắc sau:
1. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư.
2. Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.
3. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.
4. Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới.
5. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.
Nhân đây tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, hương ước, quy ước không được đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.
Phạm vi nội dung cũng như hình thức của hương ước, quy ước được quy định ra sao?
Điều 5, Quyết định số: 22/2018/QĐ-TTg quy định nội dung, hình thức hương ước, quy ước như sau:
- Nội dung của hương ước, quy ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư và mục đích, nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quyết định này.
- Hương ước, quy ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước, quy ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
- Ngôn ngữ trong hương ước, quy ước là tiếng Việt, được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với cộng đồng dân cư.
Đối với thôn, tổ dân phố có nhiều dân tộc cùng sinh sống và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố xem xét, quyết định việc dịch hương ước, quy ước sang tiếng dân tộc thiểu số để bảo đảm huy động đông đảo người dân tham gia ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo hương ước, quy ước và thực hiện sau khi được công nhận.
- Việc lựa chọn tên gọi “Hương ước” hoặc “Quy ước” do cộng đồng dân cư thống nhất, quyết định.
Như luật sư nói trên, hương ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập. Vậy việc xây dựng hương ước, quy ước phải làm thế nào để đạt được yêu cầu “tự nguyện thỏa thuận”?
Bảo đảm sự “tự nguyện thỏa thuận” của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng hương ước, quy ước và đảm bảo hương ước, quy ước đúng quy định của pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản của hương ước, quy ước. Vì vậy, Quyết định số: 22/2018/QĐ-TTg đã dành một Chương quy định về trình tự thủ tục xây dựng hương ước, quy ước. Theo đó, việc xây dựng hương ước, quy ước phải thực hiện qua các bước sau:
· Soạn thảo hương ước, quy ước:
· Lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước
· Thông qua hương ước, quy ước
· Công nhận hương ước, quy ước
· Thông tin chi tiết các bạn tham khảo Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Quyết định này. Trong những nội dung này có một số điểm cần lưu ý:
Chỉ khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành chủ trương xây dựng hương ước, quy ước thì mới tiến hành soạn thảo thảo hương ước, quy ước. Thành viên Tổ soạn thảo hương ước, quy ước phải là người có uy tín trong cộng đồng dân cư; có phẩm chất đạo đức tốt; có kinh nghiệm sống và có hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương; có đại diện phụ nữ tham gia. Đối với thôn, tổ dân phố vùng dân tộc thiểu số thì thành viên Tổ soạn thảo phải có sự tham gia của người dân tộc thiểu số biết tiếng dân tộc thiểu số. Dự thảo hương ước, quy ước trước khi đưa ra cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai. Hương ước, quy ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước …
Sau khi hương ước, quy ước được thông qua và đã được UBND cấp huyện công nhận thì hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm thế nào trong thực hiện hương ước, quy ước ?
Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện hương ước, quy ước được quy định rất rõ tại Điều 12, Quyết định số: 22/2018/QĐ-TTg. Cụ thể như sau:
- Hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tự tìm hiểu, tôn trọng, tuân thủ và thực hiện hương ước, quy ước đã được công nhận.
- Khi phát hiện hành vi vi phạm hương ước, quy ước, hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm nhắc nhở, đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả hoặc phản ánh, kiến nghị với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận hoặc người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố để xem xét, giải quyết theo quy định của hương ước, quy ước.
- Khi phát hiện hương ước, quy ước vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 15 (Có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc trái phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc trái phong tục, tập quán tốt đẹp khác theo quy định của pháp luật) và Khoản 1 Điều 16 của Quyết định này, hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố có trách nhiệm phản ánh, kiến nghị với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hương ước, quy ước vi phạm theo quy định tại Quyết định này.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân vi phạm hương ước, quy ước có bị phạt không?
Như tôi đã nói trên, một trong những nguyên tắc của việc xây dựng hương ước, quy ước được quy định tại Điều 4, Quyết định số: 22/2018/QĐ-TTg là: “Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất.”. Nếu đưa nội dung phạt tiền, phạt vật chất vào hương ước, quy ước thì hương ước, quy ước đó trái quy định của pháp luật. Hơn nữa theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Khi phát hiện hành vi vi phạm hương ước, quy ước, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận hoặc người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố để xem xét, giải quyết theo quy định của hương ước, quy ước.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)