1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Lao động / Phân biệt thoả ước lao động tập thể với hợp đồng lao động

Phân biệt thoả ước lao động tập thể với hợp đồng lao động

LSVNO – Thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đều hình thành trên cơ sở thỏa thuận, bình đẳng, thống nhất ý chí của các bên về quan hệ lao động. Sau khi các bên thỏa thuận, nội dung thể hiện sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa các bên: phát sinh quyền và nghĩa vụ cả hai bên chủ thể.


Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

  • Giống nhau

Thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đều hình thành trên cơ sở thỏa thuận, bình đẳng, thống nhất ý chí của các bên về quan hệ lao động;

Sau khi các bên thỏa thuận, nội dung thể hiện sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa các bên: phát sinh quyền và nghĩa vụ cả hai bên chủ thể;

Cả thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đều phải thỏa thuận dưới dạng văn bản.

  • Khác nhau:

- Phân loại:

+ Thỏa ước lao động bao gồm: thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; thỏa ước lao động tập thể ngành (khoản 1 – Điều 73)

+ Hợp đồng lao động được phân loại theo thời gian ký hợp đồng gồm có: hợp đồng lao động có thời hạn; hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng thời vụ (Điều 22).

- Về chủ thể tham gia ký kết:

+ Thỏa ước lao động tập thể, một bên là tập thể những người lao động và bên kia là người sử dụng lao động hoặc đại diện của tập thể những người sử dụng lao động (nếu là thỏa ước ngành).

+ Hợp đồng lao động, chủ thể của quan hệ pháp luật một bên là cá nhân người lao động và một bên là người sử dụng lao động. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Khi sử dụng người lao động từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng bằng văn bản với người đại diện pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi.

- Phạm vi:

+ Thỏa ước tập thể áp dụng đối với mọi người lao động trong doanh nghiệp. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.  Một bản Thỏa ước tập thể có khả năng áp dụng đối với toàn bộ số lao động trong một doanh nghiệp, một ngành kinh tế, hoặc thậm chí là nhiều ngành kinh tế.

+ Hợp đồng lao động áp dụng 1 cá nhân người lao động.

Hợp đồng lao động thì phạm vi chỉ người sử dụng lao động và một người lao động cụ thể. Hợp đồng lao động có nội dung và diện áp dụng hẹp hơn: một bản hợp đồng lao động thì chỉ bao gồm những nghĩa vụ pháp lý và điều kiện lao động của một cá nhân người lao động và một người sử dụng lao động và hợp đồng lao động thì không có nội dung hướng đến quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với công đoàn. Hợp đồng lao động cụ thể hóa thỏa ước tập thể, nó quy định điều kiện làm việc và quyền lợi, nhiệm vụ của người lao động. Tuy nhiên hợp đồng lao động không nhằm vào mọi vấn đề được nêu ra trong thỏa ước tập thể. Một số điều khoản của thỏa ước tập thể dành cho toàn bộ tập thể lao động như các ngày nghỉ lễ, phúc lợi của doanh nghiệp… thì không cần phải nhắc lại trong từng hợp đồng lao động cá nhân. Như vậy, mỗi hợp đồng lao động chỉ cụ thể hóa một phần nội dung nhỏ trong thỏa ước tập thể và chỉ tập trung vào những quy định liên quan đến loại việc làm mà người lao động sẽ thực hiện mà thôi.

- Hình thức (căn cứ theo Bộ luật Lao động 2012)

+ Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được lập thành 5 bản (khoản 2 Điều 83) và được lập thành 4 bản (khoản 2 Điều 87) đối với thoả thuận lao động tập thể ngành.

+ Đối với hợp đồng  bằng văn bản được lập thành 2 bản (khoản 1 Điều 16).

+ Hợp đồng lao động cụ thể hóa thỏa ước tập thể, quy định điều kiện làm việc và quyền lợi, nhiệm vụ của người lao động. Một số điều khoản của thỏa ước tập thể dành cho toàn bộ tập thể lao động như các ngày nghỉ lễ, phúc lợi của doanh nghiệp… thì không cần phải nhắc lại trong từng hợp đồng lao động cá nhân. Như vậy, mỗi hợp đồng lao động chỉ cụ thể hóa một phần nội dung nhỏ trong thỏa ước tập thể và chỉ tập trung vào những quy định liên quan đến việc làm mà người lao động sẽ thực hiện mà thôi.

- Thời gian hiệu lực:

+ Thoả ước lao động tập thể ngày có hiệu lực được ghi rõ trong thỏa ước; trường hợp thỏa ước không ghi rõ thì thỏa ước có hiệu lực từ ngày các bên ký kết. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thỏa ước lao động tập thể, thì có thể ký kết với thời hạn dưới 01 năm (Điều 85, 89).

+ Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày các bên giao kết. Thời gian hợp đồng tùy thuộc theo loại hợp đồng lao động ký kết.

+ Bên cạnh đó, khi một thỏa ước tập thể mới được ký kết và bắt đầu có hiệu lực thì lập tức các nội dung của hợp đồng lao động sẽ được tự động thay đổi phù hợp với các quy định mới của thỏa ước tập thể. Nếu quy định trong hợp đồng lao động không tương thích với quy định của thỏa ước tập thể thì quy định trong thỏa ước tập thể sẽ được công nhận và có hiệu lực.

- Mức độ bảo vệ cho người lao động:

+ Thỏa ước lao động tập thể: có nhiều thỏa thuận có lợi hơn, bảo vệ người lao động tốt hơn, như quy định quyền và nghĩa vụ chung của cả tập thể người lao động, của từng bộ phận hoặc quy định các nguyên tắc, cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của quan hệ lao động cá nhân.

+ Hợp đồng lao động: đem lại quyền lợi cụ thể cho người lao động.

- Mức quyền lợi được hưởng và nghĩa vụ của người lao động:

+ Thỏa ước lao động tập thể: cơ chế thương lượng tập thể, vì là tập thể lao động thương lượng, thỏa thuận nên nó tạo khả năng cho người lao động được làm việc trong điều kiện tốt, được hưởng những quyền lợi cao hơn và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp hơn so với những thỏa thuận đơn lẻ trong hợp đồng lao động và so với mức tối thiểu, tối đa theo luật định. Thỏa ước xác định những điều kiện lao động, quyền lợi và nghĩa vụ chung cho cả tập thể lao động nên người sử dụng lao động không thể áp đặt ý chí của mình để quy định những điều kiện bất lợi, thậm chí vô lý cho cả tập thể lao động – những điều này chỉ có thể xảy ra khi thỏa thuận cá nhân, người lao động đơn lẻ, không có tổ chức đại diện, không đủ sức mạnh để đạt được sự bình đẳng.

+ Hợp đồng lao động cá nhân, từng người lao động cam kết về điều kiện lao động, quyền lợi, nghĩa vụ trong lao động khác nhau

- Thủ tục đăng ký

+ Thỏa ước lao động tập thể: Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động gửi thỏa ước đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước tập thể ngành (Điều 75).

+ Đối với hợp đồng lao động: không quy định thủ tục đăng ký.

- Cơ sở phát sinh tranh chấp

+ Trong thỏa ước lao động tập thể: Tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận khác (khoản 8 Điều 3); Tranh chấp phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật trong quá trình thương lượng giữa hai bên  (khoản 9 Điều 3).

+ Đối với hợp đồng lao động: Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động (khoản 7 Điều 3).

- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp:

+ Đối với tranh chấp lao động cá nhân, cơ quan cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân.

+ Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền:

Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết. Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Xem thêm: http://lsvn.vn/tro-giup-phap-ly/hoat-dong-tro-giup/phan-biet-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-voi-hop-dong-lao-dong-28819.html