1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tư Vấn Luật Hôn Nhân Và Gia Đình / Quy định về cấp dưỡng trong hôn nhân và gia đình.

Quy định về cấp dưỡng trong hôn nhân và gia đình.

Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã làm mới và đưa ra khá đầy đủ về cấp dưỡng trong hôn nhân. Pháp luật đã ghi nhận được những trường hợp có thể phát sinh trong đời sống hôn nhân và gia đình, để có thể đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con người, mối quan hệ người thân trong gia đình.


Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này ( Khoản 2. Luật hôn nhân và gia đình 2014)

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này (Điều 3, Khoản 24 Luật hôn nhân và gia đình 2014).

Sự chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình không chỉ là nhu cầu về đạo đức, mà còn là nghĩa vụ pháp lý được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng. Nhằm đảm bảo cho gia đình tồn tại và phát triển thì các thành viên trong gia đình phải quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, giữa các thành viên trong gia đình luôn có sự gắn bó chặt chẽ, sâu sắc về tình cảm và trách nhiệm đối với nhau.

Đặc điểm của nghĩa vụ cấp dưỡng.

-  Tính không thể chuyển giao và tính không thể thay thế của nghĩa vụ cấp dưỡng

Khoản 1 - Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ cấp dưỡng“1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.”

            Từ quy định cho thấy quan hệ cấp dưỡng là một loại quan hệ pháp luật về tài sản gắn với nhân thân của mỗi bên trong quan hệ cấp dưỡng. Điều đó thể hiện ở chỗ: người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một số tiền hoặc tài sản nhất định nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng. Đây là quan hệ tài sản gắn liền với nhân thân của các bên trong quan hệ cấp dưỡng (bên có nghĩa vụ cấp dưỡng và bên được cấp dưỡng), vì vậy nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ không được chuyển giao cho người khác mà phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện và việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phải được thực hiện cho người có quyền được cấp dưỡng. Quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bổ sung thêm chủ thể của quan hệ cấp dưỡng đó là giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột tại Khoản 1 – Điều 107 ngoài quan hệ cấp dưỡng cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000. Lịch sử hình thành quan hệ cấp dưỡng thường hình thành một cách tự nhiên trên cơ sở đạo đức và quan hệ ruột thịt giữa con người với nhau theo phong tục, tập quán. Sau đó quan hệ cấp dưỡng mới được điều chỉnh bởi quy phạm pháp luật.

Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản song không mang tính đền bù ngang giá. Do yếu tố tình cảm gắn bó giữa các chủ thể, nên nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện một cách tự nguyện, không tính toán đến giá trị tài sản đã cấp dưỡng, không đòi hỏi người được cấp dưỡng sẽ phải hoàn lại một số tiền tương ứng. Mặt khác, không phải lúc nào nghĩa vụ cấp dưỡng cũng đặt ra, chỉ trong trường hợp nhất định và với điều kiện nhất định, nghĩa vụ cấp dưỡng mới phát sinh. Nghĩa vụ cấp dưỡng vừa mang tính đạo lý, vừa mang tính pháp lý được đảm bảo thực hiện bằng lương tâm, đạo đức, dư luận xã hội và cả các biện pháp cưỡng chế thi hành.

Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ phái sinh, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong những điều kiện nhất định, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện. Khi đó nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất tối thiểu cần thiết cho cuộc sống của người được cấp dưỡng.

Luật HNGĐ năm 2014 đã đề cao trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình đối với nhau, điều đó được thể hiện tại quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, bác ruột và cháu ruột.

Luật cũng quy định cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị một số cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Quy định về việc cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình

Quy định về cấp dưỡng khi ly hôn

Căn cứ theo luật Hôn nhân và gia đình quy định Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

“Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Tiếp đó là nhiều người cấp dưỡng cho một người, hoặc nhiều người. Trường hợp này, ta có thể hiểu trong hoàn cảnh bố mẹ phải cấp dưỡng nuôi con đến khi con họ trưởng thành ( theo pháp luật là đủ 18 tuổi). Quy định này được cụ thể hóa tại Điều 109 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau: “Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người thì những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.” Cũng giống như trường hợp một người cấp dưỡng cho nhiều người, thì nhiều người cấp dưỡng cho một người hoặc nhiều người phải có sự thỏa thuận của cả hai bên là bên nhận cấp dưỡng và bên cấp dưỡng. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận này bằng mọi cách, phương pháp hợp pháp nhằm đảm bảo đúng quyền và nghĩa vụ của các bên. Ngăn cấm tình trạng đòi hỏi, yêu cầu quá mức, vượt ra khỏi khả năng của chủ thể còn lại.

Bên cạnh việc cấp dưỡng giữa mối quan hệ huyết thống, thân thiết nhất trong gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng giữa những thành viên khác trong gia đình cũng thể bỏ qua. Pháp luật đã quy định mối quan hệ cấp dưỡng giữa cháu với ông, bà; cháu với cô, dì, chú, bác ruột và em với anh, chị.

Điều 112. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

“Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. “

Điều 113. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

“1. Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Điều 114. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

“1. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Dựa vào lối sống đạo đức, phong tục tập quán của nước ta; mối quan hệ gia đình không chỉ đề cập đến bố mẹ và con cái mà còn có những mối quan hệ ruột thịt khác mà cần đến sự đảm bảo của pháp luật, để pháp luật có thể bảo vệ cho những mối quan hệ này. Theo quy định tại Điều 112, 113, 114 của luật hôn nhân và gia đình 2014 cho thấy, pháp luật đã quan tâm đến vấn đề này và phòng trường hợp có thể xảy ra làm ảnh hưởng nặng nề đến người cần được cấp dưỡng. Đây được coi là điểm mới trong Luật hôn nhân và gia đình của nước ta, nhằm bảo vệ đầy đủ quyền lợi của mỗi người.

Vấn đề liên quan đến chủ thể được yêu cầu cấp dưỡng nhất là trong trường hợp quyền lợi của họ đang bị đe dọa. Điều Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (Luật hôn nhân và gia đình 2014)

“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”

Với những chủ thể được trực tiếp yêu cầu quyền cấp dưỡng trên thì pháp luật cũng đưa ra các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi phát hiện, có hành vi trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trợ cấp thì có quyền đề nghị, yêu cầu người này thực hiện nghĩa vụ trợ cấp đối với người được nhận cấp dưỡng. Đó là lúc, nhà nước và pháp luật đã can thiệp vào mối quan hệ cấp dưỡng này. Lúc này nó không chỉ là đạo đức, tấm lòng mà nó là nghĩa vụ trước pháp luật.

Quy định về cấp dưỡng khi ly hôn

Căn cứ theo Điều 115. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn – Luật hôn nhâ và gia đình 2014 quy định:

“ Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”

Với quy định, phát sinh hiều vấn đề cấp thiết và thường xuyên xảy ra trong đời sống xã hội bây giờ.

Khi cha, mẹ ly hôn, con chưa thành niên phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu tình cảm, vì chỉ được một bên cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Người không trực tiếp nuôi con cần thực hiện tốt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con để bù đắp phần nào thiệt thòi cho con mình. Do đó, việc giải quyết cho những người con chưa thành niên trong các vụ, việc ly hôn được cấp dưỡng càng nhiều càng tốt, để cuộc sống của họ được tốt hơn trong sự tiến bộ chung của xã hội chúng ta. Quy định cấp dưỡng cho con khi ly hôn được quan tâm nhiều trong các vụ kiện ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng khi ly hôn.

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Theo quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Khi giải quyết các vụ, việc có giao con chưa thành niên cho một bên cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, Tòa án, Viện kiểm sát (đối với những vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa) cần hướng dẫn, giải thích để người trực tiếp nuôi con có yêu cầu và Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 thì khi giải quyết về tranh chấp nuôi con, Thẩm phán phải xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên từ bảy tuổi trở lên. Đối với việc cấp dưỡng nuôi con, theo qui định tại khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người được cấp dưỡng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng.

Như vậy, dựa vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, mỗi người khi nuôi con họ có quyền yêu cầu người kia phải cấp dưỡng. Và dựa theo khả năng của bên có trách nhiệm phải cấp dưỡng thì tòa sẽ đưa ra mức phải cấp dưỡng hàng tháng để đảm bảo lợi ích của hai bên. Và nếu bên được nhận cấp dưỡng không yêu cầu bên kia phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hay họ đã có sự thỏa thuận từ trước thì tòa án tôn trọng sự thỏa thuận của họ.

Thay đổi mức cấp dưỡng cho con khi ly hôn

Khi Pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và đương nhiên những chi phí này là chi phí hợp lý. Khi quyết định mức tiền cấp dưỡng, tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường thấp hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì bạn có quyền nộp đơn ra Tòa yêu cầu Tòa án giải quyết về thay đổi mức cấp dưỡng theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Tuy nhiên, trong trường hợp người cấp dưỡng gặp khó khăn trong cuộc sống, thu nhập không ổn định, mất sức lao động thì có thể đề nghị giảm mức cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được với người cấp dưỡng thì có thể đề nghị Tòa án đã giải quyết việc ly hôn để yêu cầu thay đối mức cấp dưỡng theo quy định tại khoản 2 điều 116 Luật HN&GĐ:

 "2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết"

Tùy thuộc vào trường hợp và mức độ cấp dưỡng, pháp luật quy định mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng trong Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau Điều 116. Mức cấp dưỡng

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Điều 117. Phương thức cấp dưỡng

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, thỏa thuận giữa các bên được đề cao, hai bên có thỏa thuận về mức trợ cấp và phương thức trợ cấp thì không cần sự can thiệp của Nhà nước hay tòa án. Và mọi sự thỏa thuận, hợp nhất giữa các bên đều được pháp luật, Nhà nước tôn trọng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng; Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết; Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;…

 

Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã làm mới và đưa ra khá đầy đủ về cấp dưỡng trong hôn nhân. Pháp luật đã ghi nhận được những trường hợp có thể phát sinh trong đời sống hôn nhân và gia đình, để có thể đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con người, mối quan hệ người thân trong gia đình.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo