1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Hỏi đáp pháp luật / Trường hợp nào phải công chứng hoặc chứng thực?

Trường hợp nào phải công chứng hoặc chứng thực?

Pháp luật quy định trong một số trường hợp cụ thể, hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực mới có giá trị pháp lý.


Công chứng là việc Công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại mà theo quy định pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng năm 2014).

Chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính (Khoản 2 Điều 2 Nghị định số: 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ).

1. Các loại hợp đồng liên quan đến nhà ở

Theo quy định tại Điều 122 Luật nhà ở năm 2014, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, còn lại các loại hợp đồng sau bắt buộc phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn:

- Hợp đồng  mua bán nhà ở

- Hợp đồng tặng cho nhà ở;

- Hợp đồng đổi nhà ở;

- Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở;

- Hợp đồng thế chấp nhà ở;

- Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại 

2. Các loại hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 167 Luật đất đai năm 2013, trừ Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực thì các loại hợp đồng sau bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực:

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

- Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

- Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

3. Các loại văn bản thừa kế và di chúc

- Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự. (khoản 3 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014).

- Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự ( điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013).

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực (khoản 3 Điều 630 BLDS năm 2015).

- Di chúc miệng được người làm chứng ghi chép lại: Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. ( khoản 5 Điều 630 BLDS năm 2015).

( Theo Kiểm sát.vn)