Người lao động gây thiệt hại tài sản của công ty thì phải chịu trách nhiệm thế nào?
Người lao động gây thiệt hại tài sản của công ty thì phải chịu trách nhiệm thế nào?
LSVNO - Xin cho tôi hỏi, nếu người lao động gây thiệt hại tài sản của công ty với trị giá khoảng 300 triệu thì phải chịu trách nhiệm thế nào?
Luật sư tư vấn lao động, bồi thường thiệt hại trong lao động của Luật Đức An: 024.62957567
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Người lao động (NLĐ) gây thiệt hại tài sản có thể áp dụng hình thức kỷ luật lao động và bồi thường.
Theo thông tin bạn đọc cung cấp thì NLĐ gây thiệt hại tài sản của công ty là 300 triệu thì công ty có thể áp dụng hình thức kỉ luật sa thải theo quy định tại Điều 126, Bộ luật Lao động năm 2012: Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động (NSDLĐ) áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ;
Khi có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty về tài sản, đây cũng được coi là căn cứ để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, tùy theo mức độ và hành vi khi thực hiện hoạt động vi phạm thì phải chịu trách nhiệm theo Bộ luật Lao động năm 2012 và Nội quy công ty.
Về bồi thường thiệt hại, căn cứ khoản 2, 3, Điều 32, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có quy định về bồi thường thiệt hại như sau:
2. NLĐ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi NLĐ làm việc do Chính phủ công bố;
b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao;
c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của NSDLĐ.
3. Trường hợp NLĐ gây thiệt hại cho NSDLĐ theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với NSDLĐ thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.
Nếu 2 bên thỏa thuận và bồi thường thì có thể bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự trên nguyên tắc tranh chấp lao động được các bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên.
Thứ hai: Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi của NLĐ là cố ý có thể bạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định theo điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Xem thêmhttp://lsvn.vn/tro-giup-phap-ly/tu-van/nguoi-lao-dong-gay-thiet-hai-tai-san-cua-cong-ty-thi-phai-chiu-trach-nhiem-the-nao-27871.html