1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Thời hạn giám định tỷ lệ thương tích?

Thời hạn giám định tỷ lệ thương tích?

Thời hạn giám định tỷ lệ thương tích? LSVNO - Tôi bị người khác đánh gây thương tích và đã đề nghị cơ quan điều tra giám định tỷ lệ thương tích. Vậy xin hỏi luật sư, thời gian giám định trong thời gian bao lâu? Bạn đọc T.N. (Nam Định).


Luật sư tư vấn:

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 tại Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi:

4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp của bạn bị người khác đánh gây thương tích thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Bạn có quyền đề nghị cơ quan điều tra giám định tỷ lệ thương tích.

Về thời hạn giám định, theo Điều 208. Thời hạn giám định

1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:

a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;

b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;

c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.

Về thời hạn giám định đối với trường hợp giám định tính chất thương tích thời hạn không quá 9 ngày. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định. Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo