1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Em trai cầm sổ đỏ, nay tôi muốn xin cấp lại

Em trai cầm sổ đỏ, nay tôi muốn xin cấp lại

02/04/2018 05:00 GMT+7 - Nhà tôi có 9 anh chị em. Năm 2008, em trai tôi có lấy cắp sổ đỏ mà ba tôi (đã mất) đứng tên đem đi cầm với số tiền 150.000.000 đồng tại một tiệm cầm đồ tư nhân, người nhà không hề hay biết. Nay muốn nhờ văn phòng luật tư vấn xem làm cách nào để lấy lại sổ đỏ hoặc thủ tục như thế nào để có thể xin cấp lại sổ đỏ? Xin cám ơn luật sư.


Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Giao dịch dân sự vô hiệu

Việc em trai cầm cố sỏ đỏ mà mà không là chủ sở hữu là giao dịch dân sự vô hiệu. Hiện nay Bộ luật dân sự và Luật đất đai không có quy định về việc cầm cố quyền sử dụng đất mà chỉ có quy định về thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Do đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể mang đi cầm cố, và nếu xảy ra tranh chấp thì  hợp đồng cầm cố sẽ bị vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Theo quy định tại  Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội:

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ làm phát sinh hậu quả pháp lý,theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật về đất đai cũng như BLDS không có quy định nào cho người sử dụng đất có quyền “Cầm cố quyền sử dụng đất”. Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất."

Theo quy định trên, chỉ có người sử dụng đất hợp pháp được pháp luật công nhận, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Do đó không thể mang GCNQSDĐ để thực hiện hợp đồng cầm cố được. Do đó nếu có tranh chấp từ hợp đồng cầm cố này thì pháp luật không bảo vệ bên nhận cầm cố. Trong trường hợp này sẽ giải quyết theo giao dịch dân sự vô hiệu, tức là các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tiệm cầm đồ có trách nhiệm trả lại sổ đỏ cho gia đình bạn, và gia đình bạn  sẽ trả lại khoản tiền vay.

Nếu các bên không tự nguyện giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận thì gia đình bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Từ đó buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ này.

Thứ hai: Vấn đề cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mất

Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP  quy định chỉ cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị mất. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấp lại sổ đỏ khi sổ đỏ bị đem cầm cố, thế chấp. Vì vậy, gia đình bạn  không thể đăng ký mất sổ đỏ để làm lại sổ đỏ khác.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.