Triệu tập lấy lời khai trong vụ án hình sự
LSVNO - Gần nhà tôi có vụ án trộm cắp tài sản. Cơ quan điều tra có triệu tập tôi lên để điều tra. Do một người trong vụ án có xích mích từ trước với tôi và được sự mớm cung của một số cán bộ trong cơ quan điều tra nên khai tôi có liên quan, nhưng hoàn toàn không có. Tôi phải làm sao? Cơ quan triệu tập tôi có đúng luật không? - Bạn đọc N.T.T.
Luật sư tư vấn:
Khi một vụ án hình sự được khởi tố thì mới xác định được bị hại, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng….
Người được triệu tập có quyền yêu cầu Điều tra viên được xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng và ghi rõ vào biên bản làm việc.
Về thẩm quyền triệu tập và lấy lời khai của điều tra viên.
Theo điểm d, khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về thẩm quyền của Điều tra viên:
“Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;”
Như vậy cơ quan điều tra có triệu tập người bị tố cáo, đương sự, người làm chứng, bị hại.
Về thủ tục triệu tập lấy lời khai:
Điều 188 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định như sau:
Việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các Điều 185, 186 và 187 của Bộ luật này. Việc lấy lời khai của bị hại, đương sự có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Theo thông tin bạn cung cấp thì chưa rõ bạn tham gia với tư cách tố tụng là gì, nếu là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tức là đương sự gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan dân sự. Triệu tập, lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là biện pháp điều tra để khai thác những thông tin cần thiết làm rõ sự thật vụ án hình sự.
Triệu tập và tiến hành lấy lời khai phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Khi triệu tập lấy lời khai Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập, trước khi lấy lời khai phải giải thích về quyền và nghĩa vụ. Việc lấy lời khai được ghi biên bản.
Căn cứ theo quy định trên, Điều tra viên có quyền triệu tập lấy lời khai theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tuy nhiên, việc triệu tập cần được theo đúng trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo