1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Trợ giúp pháp lý / Quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL

Quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL

Để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của luật trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08/2017/TT-BTP).


hông tư số 08/2017/TT-BTP gồm 36 điều quy định chi tiết  03 vấn đề được luật giao: (i) Về hợp đồng thực hiện TGPL (Khoản 6 Điều 14); (ii) Trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện TGPL (khoản 3 Điều 15 Luật Trợ giúp pháp lý); (iii) Việc tập sự, kiểm tra kết quả tập sự TGPL và mẫu Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự TGPL (khoản 4, Điều 20). Ngoài ra, nhằm bảo đảm Luật TGPL năm 2017 có thể triển khai thi hành từ ngày 01/01/2018, Thông tư số 08/2017/TT-BTP còn hướng dẫn 02 nội dung: (1) Giấy tờ chứng minh người thuộc diện TGPL và (2) Mẫu giấy tờ dùng trong hoạt động nghiệp vụ TGPL.
1. Về Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý


Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết về hợp đồng thực hiện TGPL, cách thức lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện TGPL giữa Trung tâm TGPL nhà nước với Luật sư, cộng tác viên TGPL; giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật.
Việc lựa chọn và ký kết hợp đồng thực hiện TGPL giữa Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) với Luật sư gồm 03 bước cụ thể như sau: Bước 1: Xác định số lượng luật sư dự kiến ký hợp đồng thực hiện TGPL (Điều 3) Căn cứ vào nguồn lực trợ giúp pháp lý tại địa phương, Trung tâm đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của Trung tâm dựa trên kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của năm trước, số lượng trợ giúp viên pháp lý, số lượng luật sư đã ký hợp đồng, số lượng vụ án được xét xử của năm trước, tổng số người được trợ giúp pháp lý, biến động của dân số địa phương và các nội dung khác có tác động tới công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương để dự kiến số lượng luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Bước 2: Thông báo lựa chọn luật sư ký hợp đồng (Điều 5) Khi tiến hành lựa chọn, Trung tâm phải thông báo về việc lựa chọn ký kết hợp đồng và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp để các luật sư biết và đăng ký tham gia. Bước 3Đánh giá hồ sơ lựa chọn luật sư ký hợp đồng(Điều 7)Việc lựa chọn luật sư ký hợp đồng được thực hiện thông qua Tổ đánh giá. Tổ đánh giá có trách nhiệm đánh giá hồ sơ theo 2 cấp độ: đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ và đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu TGPL. Chỉ các hồ sơ nộp đúng hạn được đánh giá là đạt yêu cầu mới được đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu TGPL. Kết thúc quá trình đánh giá, Trung tâm có trách nhiệm thông báo kết quả lựa chọn đến các luật sư đã nộp hồ sơ và ký hợp đồng thực hiện TGPL với Luật sư được lựa chọn.
Việc lựa chọn và ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật về cơ bản, cách thức quy trình lựa chọn tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL được quy định tương tự với luật sư.
Ngoài các nội dung quy định về trình tự thủ tục lụa chọn, Thông tư số 08/2017/TT-BTP dành 01 điều (Điều 16) để quy định về việc thực hiện hợp đồng. Theo đó, trước khi thực hiện vụ việc TGPL, tổ chức ký hợp đồng và Sở Tư pháp; cá nhân ký hợp đồng và Trung tâm phải ký kết phụ lục hợp đồng gồm những nội dung người được TGPL, vụ việc cần TGPL, các công việc chính cần thực hiện.
2. Về trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện TGPL 


Về cơ bản, dự thảo quy định trình tự, thủ tục đăng ký tham gia thực hiện TGPL theo hướng kế thừa những quy định hiện hành tại Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL 2006 còn phù hợp và qua theo dõi hầu hết các địa phương không có phản ánh vướng mắc. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia TGPL bằng chính nguồn lực của mình, Thông tư số 08/2017/TT-BTP có chỉnh sửa bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với quy định của Luật TGPL năm 2017 như:
-  Về đăng ký tham gia TGPL: quy định Sở Tư pháp có trách nhiệm công bố danh sách tổ chức đăng ký tham gia TGPL cho phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật TGPL năm 2017.
- Về thay đổi nội dung Giấy đăng ký tham gia TGPL: quy định Sở Tư pháp ghi nội dung thay đổi vào Giấy đăng ký tham gia TGPL đã được cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đăng ký tham gia thực hiện TGPL.
- Về cấp lại Giấy đăng ký tham gia TGPL: đây là quy định mới. Việc cấp lại Giấy đăng ký tham gia TGPL trong trường hợp Giấy đăng ký tham gia TGPL được thực hiện trong trường hợp bị mất, bị hư hỏng không sử dụng được.
- Về chấm dứt tham gia TGPL, quy định rõ trách nhiệm công bố việc chấm dứt đăng ký tham gia TGPL trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để người dân được biết.
3. Về tập sự, kiểm tra kết quả trợ giúp pháp lý
Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định viên chức đang làm việc tại Trung tâm có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 13 Luật luật sư thì được đề nghị tập sự TGPL tại Trung tâm. Bên cạnh đó, Thông tư số 08/2017/TT-BTP còn quy định rõ trách nhiệm của Trung tâm, người tập sự, người hướng dẫn tập sự, thời gian tập sự, thay đổi tập sự,... tương đương với một số chức danh khác.
Việc kiểm tra kết quả tập sự TGPL do Bộ Tư pháp tổ chức và không quá 02 lần trong một năm cho phù hợp với đặc thù của công tác TGPL. Bên cạnh những quy định về: tổ chức kiểm tra; nguyên tắc, nội dung kiểm tra, Hội đồng kiểm tra,… Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định việc kiểm tra kết quả tập sự TGPL bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành. Kiểm tra viết chủ yếu kiểm tra kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, trợ giúp pháp lý, kỹ năng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, thời gian kiểm tra viết là 120 phút. Kiểm tra thực hành: Thí sinh chuẩn bị phương án giải quyết 01 vụ việc tham gia tố tụng và gửi về Hội đồng kiểm tra trước 10 ngày. Tại buổi kiểm tra, thí sinh trình bày phương án đã được chuẩn bị và trả lời các tình huống do thành viên Hội đồng kiểm tra nêu ra.
4. Về Giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý 


Về cơ bản, những quy định liên quan đến giấy tờ chứng minh của các nhóm đối tượng người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được kế thừa những quy định còn phù hợp và thực tiễn áp dụng không có vướng mắc của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/09/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ TGPL và quản lý nhà nước về TGPL.
Tuy nhiên, Thông tư số 08/2017/TT-BTP không quy định xác nhận của UBND cấp xã là một trong những loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL để bảo đảm chặt chẽ đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL thực hiện quyền yêu cầu TGPL, Thông tư số 08/2017/TT-BTP bổ sung quy định trong trường hợp những người thuộc diện được TGPL bị thất lạc các giấy tờ đã được cấp thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp các loại giấy tờ đó.
Đối với nhóm đối tượng mới được bổ sung theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, nhóm 8 đối tượng thuộc diện có khó khăn về tài chính, Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định các loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL theo hướng là các giấy chứng nhận hoặc các văn bản của cơ quan có thẩm quyền.