Tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ có thể bị xử phạt tới 5 năm tù
12/01/2018 05:00 GMT+7
- Qua vụ việc nổ lớn tại làng phế liệu ở Bắc Ninh, xin luật sư cho biết, tàng trữ vũ khí hoặc chất gây cháy nổ nguy hiểm như vậy khi không được pháp luật cho phép bị xử phạt ra sao?
Hành vi thu mua vật liệu nổ về kho để xử lý dạng phế liệu vi phạm quy định về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân đội theo điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2011 sửa đổi năm 2013 có hiệu lực đến 30.6.2018 quy định tại Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí quy định tại khoản 4 Điều 3 của Pháp lệnh này.
2. Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ là cất, giữ vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Người có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng, vật liệu nổ nếu đủ căn cứ cơ quan điều tra xem xét khởi tố theo điều 304 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
đ) Làm chết người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 % đến 121%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
c) Làm chết 02 người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ nếu làm chết 02 người sẽ xem xét khởi tố theo khoản 3 với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng nếu có căn cứ xác định thiệt hại về tài sản trong vụ nổ trên 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra nếu gây thiệt hại, người vi phạm còn chịu trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN