1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Nội quy phòng xử án sắp tới được quy định thế nào?

Nội quy phòng xử án sắp tới được quy định thế nào?

LSVNO - Xin luật sư cho tôi hỏi về nội quy phòng xử án tới đây sắp có hiệu lực được quy định như thế nào ạ. Tôi xin cảm ơn. (Bạn đọc N. T. H., Hà Nội).


Luật sư tư vấn:

Theo quy định, phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm và thành phần những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp hoãn phiên tòa thì thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa phải ghi rõ trong giấy báo mở lại phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, sự tôn nghiêm của Tòa án; bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật; góp phần tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của đời sống xã hội, nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Đối với các phiên tòa xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, việc tổ chức phiên tòa còn phải bảo đảm thân thiện, phù hợp và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Về nội quy phòng xử án bạn hỏi chung nên luật sư tư vấn theo quy định tại Điều 3, Thông tư 02/2017/TT-TANDTC, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì nội quy phòng xử án có một số điểm mới đáng chú ý sau đây:

Điều 3. Nội quy phòng xử án

1. Nội quy phòng xử án bao gồm nội quy phiên tòa theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 234 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 153 của Luật Tố tụng hành chínhvà các quy định sau đây:

a) Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án;

b) Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định;

c) Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

2. Người vi phạm nội quy phòng xử án thì tùy từng trường hợp có thể bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xử án hoặc khu vực xét xử, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ hành chính. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên tòa khi xét xử không mặc đúng trang phục thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý trách nhiệm theo Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân hoặc bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

3. Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký phiên tòa phải ổn định trật tự, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập, phổ biến nội quy phiên tòa và thực hiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.

Đối với phiên tòa hình sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 mọi người trong phòng xét xử phải tôn trọng hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự phiên tòa, tại phiên tòa bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa cho phép.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo

(GĐ Công ty luật TNHH Đức An)

Xem thêm: http://lsvn.vn/tro-giup-phap-ly/tu-van/noi-quy-phong-xu-an-sap-toi-duoc-quy-dinh-the-nao-26195.html