1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Lĩnh vực hoạt động / Thủ tục mời luật sư tham gia bào chữa vụ án hình sự?

Thủ tục mời luật sư tham gia bào chữa vụ án hình sự?

LSVNO – Luật sư cho tôi hỏi, cháu tôi 16 tuổi, phạm tội Cố ý gây thương tích, tôi muốn mời luật sư bào chữa thì cần những thủ tục gì? (Bạn đọc N.T.T).


Luật sư tư vấn:

Bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.

Thông tư 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Điều 9. Việc tham gia tố tụng của người bào chữa theo quy định tại Khoản 2 Điều 57, Điều 58 và Điều 305 BLTTHS

1. Bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân.

2. Khi giao quyết định tạm giữ hoặc quyết định khởi tố bị can, cơ quan ra quyết định phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ về quyền có người bào chữa.

3. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa theo quy định của pháp luật hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

4. Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, trừ trường hợp người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải đề nghị Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo là trẻ em không nơi nương tựa và có thể đề nghị trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên khác.

5. Trường hợp bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa thì phải lập biên bản lưu trong hồ sơ vụ án.

6. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền tiếp xúc, gặp gỡ với bị can, bị cáo là người chưa thành niên theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định trên, Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ như bố mẹ của bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa theo quy định của pháp luật.

Thông thường sự tham gia của luật sư phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Họ có thể trực tiếp mời hoặc ủy quyền cho người thân của mình mời luật sư bào chữa. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt luật quy định sự tham gia của người bào chữa vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo. Đó là các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS, khi những chủ thể quy định tại điều khoản này hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ yêu cầu Đoàn luật sư hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho họ. Đây là trường hợp bào chữa bắt buộc, còn trong thực tiễn gọi là bào chữa chỉ định. Thời điểm khởi tố bị can cơ quan điều tra có thông tin chính thức về bị can là người chưa đủ 18 tuổi thì kể từ lúc đó cơ quan điều tra có nghĩa vụ bảo đảm người bào chữa cho bị can.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)