Pháp luật quy định về thời hiệu thừa kế như thế nào?
LSVN - Hỏi: Thời hiệu khởi kiện chia thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2015 quy định như thế nào? Hết thời hiệu chia thừa kế thì di sản thừa kế thuộc về ai?. Nguyễn Hoài Linh (TT, Hà Nội).
Luật sư trả lời: Trước đây, theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được quy định như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, việc chia thừa kế vẫn phải theo thời hiệu do pháp luật quy định. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã phân ra hai trường hợp cụ thể: thời hiệu khởi kiện đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm. Điều đó có nghĩa là: đối với tài sản là bất động sản, thời hiệu này được kéo dài hơn so với BLDS năm 2005, điều này phù hợp với thực tế hơn, các quyền dân sự của công dân được bảo vệ triệt để hơn, các mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự về di sản có điều kiện được giải quyết phù hợp và thỏa đáng hơn.
Tại Điều 623 của BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Ngoài quy định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, BLDS năm 2015 còn quy định rất rõ phương án giải quyết hậu quả đối với những di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện 30 năm hoặc 10 năm, đó là: Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc về các chủ thể theo thứ tự như sau:
a) Nếu người đang quản lý di sản là người thừa kế thì di sản thuộc quyền sở hữu của họ.
b) Nếu người đang quản lý di sản không phải là người thừa kế thì phân chia thành hai trường hợp:
+ Nếu người đang quản lý di sản là người đang chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai và phù hợp với pháp luật thì di sản thuộc quyền sở hữu của người này.
+ Trong trường hợp không có người chiếm hữu, người được lợi về tài sản thì di sản thuộc về Nhà nước.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như trên tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế, mặt khác để bảo vệ các quyền dân sự nói chung, quyền tài sản nói riêng của người dân.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Công ty luật TNHH Đức An - Đoàn luật sư TP. Hà Nội)