Bạn đọc > Hồi âm Vụ trẻ em mắc sùi mào gà ở Hưng Yên: Y sĩ có thể bị phạt đến 70 triệu đồng
Về vụ việc hàng chục trẻ em mắc sùi mào gà ở Hưng Yên, Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên đã kiểm tra và phát hiện phòng khám cắt bao quy đầu cho hàng loạt trẻ của bà Hoàng Thị Hiền không có giấy phép hoạt động, không biển hiệu.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư Hà Nội có ý kiến về sự việc này.
Theo thông tin từ báo chí, phòng khám chưa có giấy phép hoạt động, căn cứ quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:
Điều 29. Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;
b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu;
c) Triển khai thí điểm hoặc áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm b Khoản 4, Điểm b Khoản 5, Điểm b và Điểm c Khoản 6 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều này.
Nếu cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân gây sùi mào gà ở các bệnh nhi đó là do vi phạm của cơ sở y tế trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP nói trên.
Bên cạnh đó, trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 242 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, Điều 242 Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác có quy định:
"1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành hính về hành vi hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm".