ĐỐI TƯỢNG KHIẾU NẠI THEO LUẬT KHIẾU NẠI
Luật KN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo (năm 2011) được đánh giá có nhiều quy định mới, tiến bộ hơn so với Luật Khiếu nại, tố cáo (năm 1998; được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005) vì đã tạo lập khung pháp lý quan trọng để đảm bảo thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền khiếu nại, quyền tố cáo, cũng như trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; tạo chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần phát huy dân chủ, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Về đối tượng khiếu nại:
Tại khoản 8 điều 2 Luật khiếu nại quy định cụ thể về quyết định hành chính là đối tượng khiếu nại. “ Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành, để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể” Như vậy quyết định hành chính được hiểu có thể là một quyết định, hoặc một thông báo, một công văn hay một kết luận...
Một quyết định hành chính có thể bị khiếu nại khi có đủ 3 yếu tố sau:
- Bằng văn bản: khác với khái niệm về quyết định hành chính trong Luật khiếu nại, tố cáo trước đây (quyết định hành chính phải là văn bản dưới dạng quyết định) Luật khiếu nại hiện hành đã đưa ra khái niệm mở rộng hơn: quyết định hành chính là văn bản trong đó có chứa nội dung thể hiện ý chí của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bởi vì trên thực tế có nhiều văn bản hành chính cá biệt do cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành có nội dung tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Do vậy, nếu chỉ quy định chỉ bó hẹp là quyết định hành chính thì sẽ hạn chế quyền khiếu nại của công dân, cơ quan, tổ chức.
- Là văn bản cá biệt do nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
- Là văn bản được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Ví dụ, Chủ tịch ủy ban nhân dân ra quyết định cưỡng chế thi hành, nếu không đồng ý với quyết định này thì người bị xử lý có quyền khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền.
- Tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
Tóm lại, các quy định được áp dụng nhiều lần đối với nhiều đối tượng hoặc đối với đối tượng không xác định (văn bản quy phạm pháp luật); các quyết định không phải là của cơ quan hành chính nhà nước (của toà án, kiểm sát) thì không được coi là quyết định hành chính theo quy định của Luật khiếu nại.
Thêm vào đó, tại Điều 11 Luật Khiếu nại cũng quy định khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan Nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định.
2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.
4.Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại.
5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng.
7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2.
8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người đứng đơn không tiếp tục khiếu nại.
9. Việc khiếu nại đã được tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng văn bản, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của tòa án.