Có được ủy quyền trong việc khiếu nại?
LSVNO - Tôi muốn thực hiện việc khiếu nại về đất đai, nhưng hiện nay tôi đang công tác ở nước ngoài trong vòng 02 năm nên không thể tự mình khiếu nại được. Vậy tôi có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại giúp tôi không? Nếu được, tôi có thể ủy quyền được cho ai?. Lê Văn T. (Hà Tĩnh)
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 12 Luật khiếu nại, người khiếu nại có những quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;
b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
đ) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;
e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;
g) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;
h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
k) Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;
Vì vậy, người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình, cụ thể:
Thứ nhất, tự mình khiếu nại:
- Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại.
- Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
Thứ hai, nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Trong trường hợp người khiếu nại vì lý do nào đó không thể tham gia đối thoại thì có thể ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình tham gia. Người đại diện hợp pháp này có thể là người được ủy quyền thực hiện việc khiếu nại ngay từ đầu hoặc chỉ được ủy quyền ở giai đoạn tham gia đối thoại.
Như vậy, ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại là một trong những quyền quan trọng của người khiếu nại.
Việc bổ sung quy định về luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia quá trình giải quyết khiếu nại là điểm mới, tiến bộ của pháp luật nhằm trợ giúp cho người dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Họ có thể ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý thay mặt mình để khiếu nại.Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Việc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại thực hiện theo pháp luật dân sự về ủy quyền.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)