Bố mẹ sang tên đất ở cho con thì cần làm thủ tục gì?
Bố mẹ sang tên đất ở cho con thì cần làm thủ tục gì?
LSVNO - Nhà tôi có một mảnh đất đứng tên hộ gia đình mà đại diện hộ là bố tôi, nay bố mẹ muốn sang tên cho tôi thì có phải hỏi ý kiến các thành viên trong gia đình hay không, mong luật sư tư vấn giúp!. Nguyễn Mai Hoa (Ninh Bình)
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi có sự thay đổi người đại diện thì phải thông báo cho bên tham gia quan hệ dân sự biết.
Trường hợp thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện.
Cụ thể hoá các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ như thế nào là “Hộ gia đình sử dụng đất” tại khoản 29 Điều 3, đó là: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Bộ luật Dân sự 2015 Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này.
Đối chiếu quy định tại khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “2.Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”
Theo đó, để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho cá nhân bạn, cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên là người thành niên – người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trong hộ tại thời điểm cấp sổ.
Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu. Những người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm thửa đất được cấp giấy chứng nhận đều có quyền sử dụng đối với diện tích đất đó.
Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ gia đình thì những người có tên trong sổ hộ khẩu là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đều phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)