1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Lao động / Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Hỏi: Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định như thế nào? Nếu hết thời hiệu tôi có được khởi kiện giải quyết tranh chấp lao động cá nhân không?


Luật sư trả lời: Theo Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân áp dụng quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động 2012. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân quy định:

  1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  2. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Căn cứ theo quy định trên, khi người lao động phát hiện ra việc chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động…. thì có quyền khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Việc xác định thời hiệu kể từ ngày người lao động biết và có văn bản đề nghị giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nếu hết thời hiệu thì mất quyền khởi kiện đối với tranh chấp lao động.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

(Đoàn luật sư TP. Hà Nội, Công ty luật TNHH Đức An)