Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp lần thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023.
Luật gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
Chương I: Những quy định chung
Chương II: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng
Chương III: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù
Chương IV: Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chương V: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, các nhân kinh doanh
Chương VI: Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chương VII: Điều khoản thi hành
* Mục đích lý do ban hành:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được ban hành nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế số và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Luật khắc phục những bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là các nền tảng trung gian. Đồng thời, luật đề cao cơ chế bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bảo đảm quyền lợi công bằng, minh bạch trong các giao dịch tiêu dùng.
* Những điểm mới:
1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Về đối tượng áp dụng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định như sau:
- Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam.
- Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người tiêu dùng.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội.
4. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, bổ sung thêm các nhóm chủ thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, luật làm rõ khái niệm về tổ chức xã hội, bao gồm tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Về vai trò của tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật xác định hai nhóm chính: (i) tổ chức xã hội có mục tiêu, tôn chỉ hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và (ii) các tổ chức xã hội khác tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Các tổ chức này được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhận sự hỗ trợ kinh phí theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đối với các tổ chức xã hội có mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật quy định cụ thể về phạm vi hoạt động và các nhiệm vụ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
2. Bổ sung nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương:
So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã bổ sung thêm khái niệm cũng như việc bảo vệ và giao dịch với nhóm người dễ bị tổn thương, được quy định tại Điều 8 Luật này.
Cụ thể:
1) Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
a) Người cao tuổi;
b) Người khuyết tật;
c) Trẻ em;
d) Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
đ) Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
e) Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;
g) Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Về việc bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật này.
Theo quy định mới hiện nay, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp, trong đó bao gồm việc áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật, bảo đảm tương thích với từng nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
3. Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng:
Quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng quy định tại Điều 4, Điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 như: Người tiêu dùng có quyền được bảo vệ, nhận thông tin đầy đủ, lựa chọn sản phẩm, góp ý, khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường, được tư vấn, hỗ trợ và hưởng môi trường tiêu dùng an toàn, bền vững; Một số nghĩa vụ về kiểm tra hàng hóa, tiêu dùng đúng quy định, tuân thủ hướng dẫn sử dụng, thông báo vi phạm và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp trong giao dịch.
Luật năm 2023 bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng, bao gồm tuân thủ các yêu cầu về kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và thực hiện tiêu dùng bền vững theo quy định pháp luật. Đồng thời, người tiêu dùng có trách nhiệm đối với việc cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ theo quy định của pháp luật.
4. Sản xuất và tiêu dùng bền vững:
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững, tại khoản 10 Điều 3 như sau:
10. Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, tại khoản 7 Điều 7, Điều 74 và Điều 75 Luật này.
5. Bổ sung các hành vi bị cấm:
Tại Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp: tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số, chẳng hạn:
- Xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng: Gian lận, lừa dối, ép buộc, gây nhầm lẫn trong giao dịch.
- Cung cấp sản phẩm, dịch vụ không an toàn: Hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật.
- Thu thập, sử dụng, tiết lộ thông tin trái phép: Xâm phạm dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.
- Từ chối, trốn tránh trách nhiệm: Không thực hiện bảo hành, bồi thường khi sản phẩm, dịch vụ có lỗi.
- Cản trở quyền khiếu nại, tố cáo: Ngăn chặn người tiêu dùng thực hiện quyền hợp pháp.
- Lợi dụng danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Trục lợi từ hoạt động hỗ trợ, tư vấn, khởi kiện.
- Các vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
6. Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng:
Luật quy định bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng và công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng. Đồng thời, xác định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, quy định rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa và bổ sung nghĩa vụ tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo quy định pháp luật.
7. Giao dịch đặc thù:
Luật bổ sung một số quy định về một số giao dịch đặc thù nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch, gồm:
- Giao dịch, ký kết hợp đồng từ xa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng được quy định tại Điều 37, 38 Luật này.
- Trách nhiệm nói chung cũng như trách nhiệm công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng quy định tại Điều 39 và Điều 40.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.
8. Phương thức giải quyết tranh chấp:
Luật bổ sung quyền của người tiêu dùng trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh tiến hành thương lượng hoặc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Đối với phương thức giải quyết tại Tòa án, Luật hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, trường hợp tranh chấp có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không cần đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
9. Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Luật bổ sung quy định về trách nhiệm cụ thể của Ủy ban nhân dân các cấp, bao gồm cấp tỉnh, huyện và xã, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thiết lập và triển khai cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Đức An tổng hợp
Công ty luật TNHH Đức An
VĂN PHÒNG GIAO DỊCH: Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT 090 220 1233
Web: www.luatducan.vn
Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
Email: luatsubichhao@gmail.com