1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Giải quyết tranh chấp nhà đất / Tranh chấp chia thừa kế khi không có di chúc

Tranh chấp chia thừa kế khi không có di chúc

Tranh chấp chia thừa kế trong các trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thường phức tạp và kéo dài. Để giải quyết tranh chấp 1 trong các bên có thể hoà giải hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp. Luật Đức An tư vấn quy định pháp luật và bản án tham khảo


Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

 Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản (không để lại di chúc) số 12/2024/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương

- Trích dẫn nội dung: “Nguyên đơn bà Đặng Thị X1 trình bày: Bố mẹ bà là cụ Đặng Văn N,chết năm 1978 và cụ Lê Thị X3, chết năm 2009. Hai cụ sinh được ba người con gồm bà Đặng Thị X1, bà Đặng Thị X3 và ông Đặng Thái B. Trước khi chết, cụ N cụ X3 để lại khối tài sản gồm: 1 nhà 5 gian, diện tích đất tại thôn V, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương. Hiện tại toàn bộ tài sản nhà, đất do ông B quản lý, sử dụng. Nguồn gốc đất là của ông cha để lại. Hai cụ không để lại di chúc trước khi chết. Sau khi mẹ bà mất được mấy ngày thì ông B có đưa cho bà tờ đơn, ông B nói là giao cho ông B 1 gian nhà và 2 gian bếp để thờ cúng các cụ nên bà có ký vào tờ giấy này. Do anh em không thỏa thuận phân chia được đất, bà X1 khởi kiện đề nghị Tòa án phân chia di sản của bố mẹ bà để lại là nhà 5 gian và diện tích đất 599 m2 tại thôn V, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật. Bà xin hưởng bằng hiện vật là đất. Bị đơn ông Đặng Thái B trình bày: Về lý lịch gia đình như bà X1 đã trình bày. Trước khi bố mẹ ông mất không để lại di chúc. Bố mẹ ông khi còn sống có số tài sản là: Diện tích đất 1.896m2 và căn nhà cấp 4 do bố mẹ ông xây năm 1975. Đến năm 1977 bố mẹ ông tách cho ông diện tích đất 1.019m2 đất, bố mẹ ông chỉ cho bằng miệng. Bố mẹ ông cho ông hai phần đất ngoài trong đó có 1 cái ao, còn phần đất ở giữa bố mẹ ông sử dụng diện tích 877m2 trên đó có căn nhà của bố mẹ ông. Ông ở cùng với bố mẹ ông từ nhỏ đến năm 1971 thì ông lấy vợ là bà Bùi Thị Ngh, vợ chồng ông tiếp tục ở cùng đến khi bố mẹ ông mất. Hiện vợ chồng ông vẫn là người quản lý, sử dụng...”

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng, kháng nghị và kháng cáo trong thời hạn luật định nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Tại phiên tòa, một số đương sự vắng mặt nhưng đã có người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng nên Tòa án xét xử vụ án theo quy định.

[2] Xét kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Kim Thành, kháng cáo của ông B, bà X1, bà X2, thì thấy:

[3] Các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, thể hiện cụ N và cụ X3 có khối tài sản chung là diện tích 1.917 m2 tại thửa đất số 116, 117, 127 tờ bản đồ số 5 tại thôn V, xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương. Mặc dù không có văn bản tặng cho đất nhưng hàng thừa kế của các cụ gồm ông B, bà X1, bà X2 đều xác nhận có việc tặng một phần đất cho ông B. Mặt khác, ông B đã đứng tên trong sổ địa chính và bản đồ địa chính của xã từ năm 1984 đến nay. Do vậy, có căn cứ xác định năm 1984, cụ N và cụ X3 cho ông B diện tích 1.019m2 đất (trong tổng số 1.917 m2 đất) tại thửa đất số 116, 117, 127. Đối trừ diện tích đất đã tặng cho ông B, cụ N và cụ X3 còn lại diện tích là 898 m2. Năm 1993, gia đình ông B bị trừ đất nông nghiệp vào đất vườn, gia đình ông B có 7 khẩu bị trừ gồm vợ chồng ông B và 5 người con gồm: chị Ng, anh B1, anh B2, anh H1 và chị H2. Địa phương đã cung cấp, mỗi người bị trừ 2 thước vào đất vườn, quy đổi theo tỷ lệ đất vườn, đất nông nghiệp tại địa phương thì gia đình ông B bị trừ 501 m2. Việc trừ đất nông nghiệp là thực hiện theo chủ chương, chính sách của Nhà nước về việc giao đất nông nghiệp (đất 03) cho người dân, thực hiện vào năm 1993. Tại thời điểm trừ đất nông nghiệp, gia đình ông B đã được các cụ tặng cho cho 1.019m2 đất nên việc bị trừ 501 m2 đất của hộ gia đình ông B phải bị trừ vào diện tích đất này mà không bị trừ vào diện tích 898 m2 của cụ N cụ X3. Tòa án nhân dân huyện Kim Thành lại trừ 501 m2 đất của hộ gia đình ông B vào đất của cụ N và cụ X3, từ đó xác định di sản của cụ N, cụ X3 sau khi bị trừ đất 03 còn lại là 898 - 501 = 397m2 để phân chia thừa kế là không đúng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kim Thành xác định di sản của cụ N cụ X3 là 898 m2 đất là có căn cứ. Từ những phân tích trên, nội dung bà X1 kháng cáo đề nghị xác định diện tích đất 1.019m2 đất của cụ N, cụ X3 chưa tặng cho ông B không được chấp nhận, nội dung đề nghị xem xét lại việc trừ đất nông nghiệp của bà X1, bà X2 được chấp nhận.

[4] Ngoài ra, bà X1 trình bày cụ X3 đã cho bà X1 278m2 trong tổng diện tích đất còn lại của các cụ. Theo bản đồ địa chính năm 1990 thể hiện họ tên là Đặng Văn X1 đứng tên diện tích 278m2. Nhưng, gia đình cụ X3, cụ N không có ai tên là Đặng Văn X1, ông B không thừa nhận việc cụ X3 cho bà X1 đất, không có căn cứ nào khác thể hiện việc cụ N, cụ X3 tặng cho hay chuyển nhượng đất cho bà X1 nên không có căn cứ chấp nhận đề nghị này của bà X1.

[5] Về công sức quản lý di sản của ông B, bà Ngh: Vợ chồng ông B quản lý sử dụng đất, nhà ở từ khi các cụ chết đến nay. Tòa án cấp sơ thẩm đã áng trích công sức quản lý, trông coi, tôn tạo đất, sửa chữa nhà cho vợ chồng ông B là phù hợp nên nội dung kháng cáo này của bà X1, bà X2 không được chấp nhận.

[6] Tòa án cấp sơ thẩm đã thu và chi tiền thẩm định và định giá tài sản chung cho vụ án hết số tiền 21.000.000 đồng. Ông B, bà X1 và bà X2, mỗi người được hưởng 1 kỷ phần thừa kế giá trị như nhau nên đều phải chịu chi phí thẩm định, định giá tài sản nên kháng cáo của bà X2 về nội dung này không được chấp nhận.

[7] Ông B bà Ngh là người quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất của cụ N cụ X3 nên có nghĩa vụ nộp thế sử dụng đất là đúng quy định. Ông B có xuất trình 01 biên bản họp bàn, phân chia thừa kế ngày 25/2/2009. Biên bản này có chữ ký của ông B, bà X1, bà X2. Biên bản có nội dung: “Sau khi mẹ tôi qua đời phần diện tích đất, nhà ở lưu lại cho con trai để làm nơi thờ tự sau này”. Văn bản này chỉ ghi lưu lại cho con trai để làm nơi thờ tự, chưa thể hiện việc phân chia, định đoạt di sản thừa kế của cụ N, cụ X3. Bà X1 khởi kiện, Tòa án chia thừa kế là đúng quy định. UBND xã cung cấp, theo bản đồ đo đạc năm 1984, 1990, 2007 không có tên ông Đặng Văn T và bà R, ông D và bà Nh đối với thửa đất bà X1 quản lý, sử dụng. Không có tài liệu chứng cứ thể hiện việc chuyển nhượng, tặng cho đất giữa những người trên, cũng như việc chuyển nhượng giữa ông T bà R với cụ X3; ngoài lời khai của ông B không có chứng cứ về việc cụ X3 mua 240m2 đất của ông T, bà R và việc cụ X3 cho bà X1 ở nhờ. Bà X1 đứng tên chủ sử dụng đất từ năm 1990 đến nay. Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích đất trên là của bà X1, không phải là di sản thừa kế của cụ X3 là có căn cứ. Đối với việc đổi đất nông nghiệp giữa bà X1 với ông Ch, sau khi đổi đất, địa phương đã thực hiện dồn ô đổi thửa, bà X1 vẫn quản lý và sử dụng đủ 360m2 đất nông nghiệp của cụ X3. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định di sản thừa kế gồm 360m2 đất nông nghiệp và chia thừa kế, giao bà X1 tiếp tục quản lý sử dụng đất nông nghiệp, bà X1 trả kỷ phần thừa kế cho ông B bà X2 bà phù hợp. Do vậy, kháng cáo của ông B không được chấp nhận.

[8] Theo Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND ngày 04/10/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao, điều kiện hợp thửa đất, điều kiện tách thửa đất, diện tích tối thiểu được tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các quy định của luật đất đai xác định diện tích đất ở tối đa là 1000m2, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Do vậy, diện tích đất 1.917m2 tại thửa đất số 116, 117, 127 tại thôn V, xã T, huyện K do ông B đang quản lý, sử dụng có giá trị là 1000m2 đất ở x 6.000.000đ = 6.000.000.000đ và 917m2 đất trồng cây lâu năm x 4.000.000đ = 3.668.000.000đ. Tổng giá trị đất = 9.668.000.000đ. Trong tổng số diện tích đất trên, tỷ lệ đất ở là 52,165%, tỷ lệ đất trồng cây lâu năm là 47,835%. Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự trong việc chia, tách, giao đất nên Tòa án tính đất ở, đất trồng cây lâu năm theo tỷ lệ này.

[9] Do xác định lại di sản thừa kế, nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo quy định. Như vậy, di sản của cụ N, cụ X3 là 898m2 đất, (trong đó 468,4m2 đất ở trị giá là 2.810.400.000 đồng, 429,6m2 đất trồng cây lâu năm trị giá là 1.718.400.000 đồng), 1 nhà cấp 4 giá trị là 50.683.500 đồng, 1 cây vải to trị giá 3.300.000 đồng, 360m2 đất 03 giá trị là 36.000.000 đồng. Tổng trị giá di sản là 4.618.783.500 đồng. Trừ công sức trích trả cho ông B bà Ngh 260.000.000 đồng (tính bằng 43,3m đất ở), giá trị di sản còn lại là 4.358.783.500 đồng. Chia đều cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất của cụ N, cụ X3, gồm: ông B, bà X1, bà X2; mỗi người được hưởng 1 kỷ phần thừa kế trị giá là 4.358.783.500 đồng/3 = 1.452.927.833 đồng.

[10] Về việc phân chia di sản thừa kế bằng hiện vật: Bà X1 đang trực tiếp sử dụng đất 03 nên giao cho bà X1 tiếp tục quản lý, sử dụng 360m2 đất 03 trị giá 36.000.000 đồng. Chia cho bà X1 được quản lý, sử dụng 236 m2 đất (trong đó 123,1m2 đất ở, 112,9m2 đất trồng cây lâu năm) trị giá 1.190.218.400 đồng. Trị giá tài sản bà X1 được chia là 1.226.218.800 đồng. Trên đất của bà X1 được giao có tài sản của ông B bà Ngh là 13 cây sưa, 24 cây táo, bức tường gạch ba banh dài 24,2m+4,83m+4,75m, trị giá là 33.885.000 đồng.

[11] Chia cho bà X2 được quản lý, sử dụng 236 m2 đất (trong đó 123,1m2 đất ở, 112,9m2 đất trồng cây lâu năm) trị giá 1.190.218.400 đồng. Trên đất của bà X2 được giao có tài sản của ông B bà Ngh là 07 cây sưa, 24 cây táo, bức tường gạch ba banh dài 9,22m, 01 hố ga, trị giá là 20.695.000 đồng.

[12] Chia cho ông B được quản lý, sử dụng diện tích đất còn lại là 382,7m2, (trong đó 178,9m2 đất ở, 203,8 m2 đất trồng cây lâu năm) và 43,3m2 đất ở (tính bằng 260.000.000 đồng tiền áng trích công sức); ông B được sở hữu 1 nhà và 1 cây vải to. Ghi nhận sự tự nguyện của ông B và bà Ngh nhập kỷ phần thừa kế của ông B, tiền công sức vào tài sản chung của vợ chồng. Đối với diện tích đất 03 gia đình ông B bị trừ 7 xuất (ông B, bà Ngh, chị Ng, anh B1, anh B2, anh H1 và chị H2) = 501m2, nằm trong diện tích 1.019m2 của vợ chồng ông B nên gia đình ông B tự giải quyết, Tòa án không xem xét giải quyết phân chia trong vụ án này và không buộc các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về việc phân chia diện tích đất này.

[13] Ông B nhận kỷ phần thừa kế là hiện vật có giá trị cao hơn nên có nghĩa vụ trả chênh lệch tài sản cho bà X1, bà X2. Trên đất của bà X1, bà X2 được giao có tài sản của ông B bà Ngh nên bà X1, bà X2 có nghĩa vụ trả cho ông B bà Ngh trị giá bằng tiền.

Dịch vụ Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp khi chia thừa kế : 090 220 1233 - 024.66544233

Công ty luật TNHH Đức An

VĂN PHÒNG GIAO DỊCH: Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT 090 220 1233 

Web: www.luatducan.vn

Youtube: Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Email: luatsubichhao@gmail.com