1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tư Vấn Luật Hôn Nhân Và Gia Đình / Bị đơn cố tình không đến toà hoà giải

Bị đơn cố tình không đến toà hoà giải

Câu hỏi: Chào luật sư, Tôi có đơn phương nộp đơn ly hôn ra tòa. Mặc dù tòa đã có giấy triệu tập nhiều lần nhưng chồng tôi cố tình vắng mặt, không đến tòa để hoà giải. Cho tôi hỏi trường hợp chồng cố tình kéo dài vụ án thì tòa án có giải quyết không?


Khi giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ có giấy triệu tập các đương sự tham gia phiên tòa, tuy nhiên thực tế nhiều trường hợp bị đơn vì lý do khác nhau mặc dù Tòa án đã có giấy triệu tập hợp lệ hai lần vẫn vắng mặt. Vậy khi bị đơn cố tình vắng mặt nhiều lần thì vụ án ly hôn có được giải quyết không ?

  1. Bị đơn vắng mặt tại buổi hoà giải thì Toà án có tiếp tục xử lý yêu cầu ly hôn của nguyên đơn không?

Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thủ tục hòa giải tại Tòa án sau khi Tòa án tiến hành thụ lý đơn ly hôn là một thủ tục bắt buộc, được quy định như sau: "Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự."

Thủ tục hòa giải sẽ tuân thủ theo nguyên tắc được quy định tại Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

"1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

b) Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội."

Theo quy định trên thì nếu như bị đơn vắng mặt tại buổi hòa giải nhưng có lý do chính đáng hoặc đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn cố tình vắng mặt thì vụ việc hòa giải sẽ không thể tiến hành được.

Tuy nhiên, việc ly hôn vẫn sẽ tiến hành như bình thường theo đúng quy định của pháp luật khi bị đơn vắng mặt không có lý do.

 khoản 1 Điều 205 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định:

“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.

Về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định gồm vụ án:

“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”.

Theo các quy định trên, việc ly hôn không nhất thiết phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng mà chỉ có yêu cầu từ một bên thì tòa án cũng xem xét để giải quyết. Tòa án vẫn tiến hành tống đạt giấy triệu tập và các văn bản tố tụng theo quy định cho chồng bạn. Nếu chồng bạn vẫn tiếp tục vắng mặt lần thứ hai thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn, thủ tục ly hôn vắng mặt sẽ vẫn tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

  1. Bị đơn tiếp tục vắng mặt tại phiên toà xét xử thì Toà án có xử vắng mặt không?

Theo Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

+ Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

+ Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

+ Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Theo quy định nêu trên nếu trong phiên toà xét xử, chồng bạn được triệu tập lần thứ hai mà không có mặt, không có lý do chính đáng thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử ly hôn.

Dịch vụ Luật sư hôn nhân gia đình 

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Công ty luật TNHH Đức An

Số 64b, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT 090 220 1233

024.66544233