Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu
Góp ý Dự thảo Luật đấu thầu
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Việc ban hành và thực hiện Luật này cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này. Một số ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đấu thầu như sau:
-
Góp ý Điều 5 Tư cách hợp lệ của nhà thầu theo Dự thảo 2 Luật đấu thầu
Luật Đấu thầu hiện hành quy định như sau tại Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư
1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
b) Hạch toán tài chính độc lập;
c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;
e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.
Dự thảo mới quy định rõ hơn 2 đối tượng nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài theo hướng liệt kê cụ thể đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước: là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được đăng ký, thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp, hạch toán tài chính độc lập
Điểm c Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật đấu thầu quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:
“c) Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác;”
Quy định trong dự thảo Luật có nhắc đến cụm từ: “mất khả năng thanh toán”. Như thế nào được coi là nhà thầu, nhà đầu tư là “mất khả năng thanh toán”? Nhà thầu, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục gì để chứng minh mình không “mất cả năng thanh toán.” Có áp dụng theo quy định tại Luật Phá sản 2014 đối với trường hợp này không?
Theo Luật Phá sản 2014 tại Điều 4. Giải thích từ ngữ
Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Thực tế để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán dẫn đến có phá sản hay không là khó xác định.
Góp ý dự thảo Luật đấu thầu cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn đối với trường hợp này để các nhà thầu, nhà đầu tư có thể thuận tiện hơn trong việc xác định tư cách hợp lệ của mình. Hoặc có thể sửa như sau:
Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; phải có báo cáo tài chính 3 năm gần nhất để chứng minh khả năng thanh toán theo quy định pháp luật của nước mà nhà thầu được cấp Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác
Thạc sỹ - Luật sư Phạm Thị Bích Hảo góp ý Dự thảo Luật Đấu Thầu