1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tin tức hoạt động / Tranh chấp chia di sản thừa kế khi sổ đỏ đã sang tên người khác

Tranh chấp chia di sản thừa kế khi sổ đỏ đã sang tên người khác

Câu hỏi: Bố mẹ tôi có 4 người con. Năm 2013 bố tôi mất. Bố mẹ tôi có một căn nhà, sau khi bố mất thì người anh cả đến ở cùng trên thửa đất cùng mẹ. Năm 2018 mẹ tôi mất, trước khi mẹ tôi mất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên bố mẹ tôi. Hiện nay, các anh em chúng tôi muốn phân chia phần di sản là căn nhà mà bố mẹ để lại, nhưng khi ra UBND xã thì được biết, tháng 6 năm 2020 anh cả đã tự sang tên căn nhà sang tên mình trong khi bố mẹ tôi mất đều không để lại di chúc hay dặn dò gì. Xin hỏi Luật sư, chúng tôi phải làm gì để đòi lại quyền thừa kế của mình.


Trả lời:

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 179 Luật đất đai 2013, cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Theo quy định của người để lại di sản chết mà không để lại di chúc thì phần di sản sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 về người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Những người thuộc cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn có 4 người con, thuộc hàng thừa kế thứ nhất và 4 người con này sẽ nhận được phần di sản thừa kế như nhau.

Theo thông tin bạn cung cấp, anh cả bạn đã tự ý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi bố mẹ bạn không để lại di chúc và những người con còn lại của ông không biết về việc này. Trường hợp này, bạn có thể khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế hoặc khởi kiện hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khởi kiện hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Khoản 2 Điều 106 Luật đất đai 2013 quy định về Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:

“a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

2. Khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

  • Đơn khởi kiện phân chia di sản thừa kế;
  • Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản;
  • Các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
  • Giấy tờ nhân thân (Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu,…)
  • Các tài liệu chứng cứ kèm theo.

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện

Người khởi kiện nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền bằng một trong các hình thức sau:

- Nộp trực tiếp tại Tòa;

- Gửi đến Tòa án bằng đường bưu điện;

- Nộp trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý hồ sơ và đưa ra xét xử

Tòa án thụ lý hồ sơ, xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí và đưa vụ án này ra xét xử.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về khởi kiện phân chia di sản thừa kế đối với trường hợp gia đình bạn. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.

Phí tư vấn theo giờ/ thanh toán trước khi tư vấn.

Luật sư  kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế

Luật Đức An, chất lượng và uy tín

Trân trọng!

Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO

Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Địa chỉ: 64B, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội

ĐT liên hệ:  0902201233 - cố định 024 66544233

Email: luatsubichhao@gmail.com                     Web: www.luatducan.vn

Face: Công ty luật TNHH Đức An