Theo luật sư, các nạn nhân bị lừa đảo bán mẫu bản vẽ thiết kế nhà trên mạng có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an và cung cấp các chứng cứ chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng.
Sau khi Báo Lao Động đăng tải những bài viết cảnh báo lừa đảo bán mẫu bản vẽ thiết kế nhà trên mạng, trao đổi với phóng viên, Thạc sỹ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, các đối tượng có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tại Điều 174.
Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) quy định:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Về hành vi khách quan: Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm. Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.
“Thông qua sự việc này, người dân cũng cần chú ý cẩn trọng tránh bị lừa khi chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Đối tượng lừa đảo lợi dụng lòng tin của người dân để yêu cầu đặt cọc, sau khi nhận được tiền đặt cọc sẽ cắt đứt liên lạc. Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần đề phòng” - luật sư Phạm Thị Bích Hảo bình luận.