Bạo lực tinh thần có bị xử phạt không ?
Những điều luật nào quy định về các hình phạt đối với những hành vi bạo hành tinh thần cho người khác và trong những trường hợp nào người gây bạo hành sẽ bị xử lý? Các mức hình phạt dành cho những người gây bạo hành là gì?
Thạc sỹ- Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời
Thứ nhất: Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bị bạo lực gia đình
Theo Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình, bạn có thể:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
- Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Thứ hai: Về xử phạt hành chính
Nghị Định 167/2013/NĐ- CP
Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.
Căn cứ theo quy định nêu trên mức phạt đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 vnđ buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi bạo hành về tinh thần nêu trên.
Thứ ba: Xử lý hình sự
Theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tại Điều 140 Tội hành hạ người khác nếu có hành vi làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên thì phạt tù từ 01 năm đến 03 năm
Hoặc có thể chịu trách nhiệm theo Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật hình sự: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Nếu có thắc mắc cần tư vấn bạn liên hệ
Luật sư hôn nhân gia đình Luật Đức An Phí tư vấn theo giờ
Thạc sỹ - Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Địa chỉ: 64B, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT liên hệ: 0902201233 – hotline: 056.926.2199
Email: luatsubichhao@gmail.com Web: www.luatducan.vn