1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Lao động / Quy định mới về nội quy lao động doanh nghiệp từ 1.1.2021

Quy định mới về nội quy lao động doanh nghiệp từ 1.1.2021

Doanh nghiệp cần lưu ý những nội dung sau khi sửa đổi nội quy lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.


Tại Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 quy định doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

Trước đây, nội dung nội quy lao động theo Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Lao động 2012, nội quy lao động của doanh nghiệp bao gồm 5 nội dung chủ yếu :

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trật tự tại nơi làm việc;
  • An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
  • Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
  • Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.

Từ 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thi hành thì ngoài 5 nội dung đã nêu trên, nội quy lao động của doanh nghiệp còn buộc phải có thêm một số nội dung được quy định trong Bộ luật mới. Cụ thể, tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về nội quy lao động như sau:

“Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

b) Trật tự tại nơi làm việc;

c) An toàn, vệ sinh lao động;

d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

h) Trách nhiệm vật chất;

i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.”

Bộ luật Lao động 2019 bổ sung 3 nội dung cần phải có trong nội quy lao động là nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; về trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động; và về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động. Những quy định bổ sung trong Bộ luật lao động 2019 về nội quy lao động sẽ có thêm nhiều nội dung phù hợp công ước quốc tế mà nước ta đã ký thực hiện, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Doanh nghiệp cần rà soát nội quy lao động hiện nay của doanh nghiệp chưa có đầy đủ những nội dung nêu trên thì doanh nghiệp nên sửa đổi, bổ sung để đáp ứng quy định của Bộ luật Lao động kể từ ngày 01/01/2021.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An