Hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư khác với hoạt động trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý.
Đây là trách nhiệm của Nhà nước, là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, chủ thể thực hiện là các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý chỉ áp dụng với 14 đối tượng: người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
Những đối tượng được trợ giúp pháp lý phải cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2010 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của luật sư và Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Các văn bản này quy định nghĩa vụ của Luật sư trong việc tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật. Luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý tối thiểu 04 giờ/năm. Hình thức trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Trung tâm Tư vấn pháp luật – Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư hoặc trưởng tổ chức hành nghề Luật sư.
Tham gia các đoàn trợ giúp pháp lý lưu động do Đoàn Luật sư tổ chức, tham gia trợ giúp pháp lý do các cơ quan tổ chức khác tổ chức, tự mình trợ giúp pháp lý khi có đề nghị của người có yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Các hình thức trợ giúp pháp lý của Luật sư bao gồm tham gia phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu.
Đối tượng được trợ giúp pháp lý theo Quyết định 112/QĐ-BTV khá rộng, mọi tổ chức, các nhân có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến pháp luật (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại) đều là đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đối tượng thuộc diện của Luật Trợ giúp pháp lý được ưu tiên.
Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định tại quy tắc 4.2: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao.
Với hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động vì người dân, người nghèo, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, giới Luật sư đã góp phần phát huy uy tín, truyền thống của luật sư Việt Nam, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Luật sư không nhận thù lao khi trợ giúp pháp lý, hoạt động này được các luật sư thực hiện từ cái tâm của mình.
Thực tiễn thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư
Trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19, hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư cũng bị ảnh hưởng. Một trong những hoạt động phổ biến của trợ giúp pháp lý mà luật sư thực hiện là hoạt động tuyên truyền pháp luật đất đai, tuyên truyền pháp luật hôn nhân gia đình, tuyên truyền Luật Trẻ em đến các xã phường, đến trường học, trại tạm giam…
Hoạt động tuyên truyền pháp luật tại THCS Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội do Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tuyên truyền ngày 5/11/2020
Điểm mạnh của việc tuyên truyền pháp luật do Luật sư thực hiện là nội dung tuyên truyền với chủ đề gần gũi và hướng dẫn áp dụng pháp luật phong phú. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác hành nghề, Luật sư thường nêu các tình huống thường gặp trong cuộc sống khi tuyên truyền pháp luật nên hiệu quả rất thiết thực.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tuyên truyền Nghị Định 117/2020/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế tại UBND Phường Cầu Diễn ngày 5/11/2020
Trong đó, các tình huống về đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình được nhiều người dân quan tâm vì gắn liền với đời sống và rất thường gặp. Đoàn Luật sư đã kết hợp với Hội Phụ nữ, Hội Luật gia tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật đến đông đảo người dân, hội viên Hội Phụ nữ.
Trong nhiều năm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật đến trường học. Đối tượng tuyên truyền là hàng nghìn em học sinh cấp 2, cấp 3 tại các trường thuộc thành phố Hà Nội. Bên cạnh việc tuyên truyền kiến thức pháp luật Luật Trẻ em, Luật Hình sự về các tội cố ý gây thương tích, tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, luật sư còn khéo léo lồng các kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng sử dụng thông tin trên mạng theo Luật An ninh mạng để các em có ứng xử phù hợp theo quy định pháp luật.
Một trong những khó khăn của đội ngũ luật sư khi thực hiện hoạt động tuyên truyền là phải chủ động kinh phí, sau đó sắp xếp lịch tuyên truyền, chuẩn bị băng rôn, bài tuyên truyền…, sau đó cần có công văn phối hợp đặt lịch tuyên truyền với nhà trường.
Để một buổi tuyên truyền hiệu quả phải có thời gian chuẩn bị các nội dung nêu trên chu đáo. Vất vả là thế, nhưng sau mỗi buổi tuyên truyền pháp luật là những ánh mắt và lời cảm ơn từ phía nhà trường và các em học sinh là động lực giúp luật sư sẵn sàng nỗ lực hơn nữa, để tương lai mỗi em học sinh là một công dân tốt, công dân có ích đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Với một vụ án, khi đương sự có yêu cầu Luật sư trợ giúp pháp lý, để theo suốt vụ việc có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm, trong khi thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý bắt buộc của Luật sư tối thiểu chỉ là 4 giờ/năm. Không thu phí, Luật sư gặp khó khăn khi tham gia trợ giúp pháp lý trong một vụ án hình sự, dân sự khi trách nhiệm nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, có mặt trong giai đoạn điều tra lấy lời khai, tham gia tại phiên tòa.
Vì vậy, khi trợ giúp pháp lý bằng việc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong các vụ án, Luật sư cần thực sự có tâm huyết vì công lý và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Những khó khăn, vất vả của luật sư khi nhận những vụ việc trợ giúp ở các tỉnh miền núi xa xôi như Sơn La, Lai Châu… rất xứng đáng được thân chủ ghi nhận trách nhiệm xã hội và sự tận tâm của người Luật sư.
Hoạt động tư vấn tại Trụ sở tiếp dân Trung ương theo chương trình giữa Liên đoàn Luật sư, Mặt trận Tổ quốc, Thanh tra Chính phủ cũng là một nội dung trợ giúp pháp lý của Luật sư. Với sự tham gia của hàng trăm Luật sư thuộc nhiều Đoàn Luật sư, nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo đã được tư vấn giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Mỗi Luật sư thực hiện 8 giờ tư vấn miễn phí mỗi năm tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, đó là đóng góp của đội ngũ Luật sư vào hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại, tranh chấp, tố cáo.
Một vài đề xuất
Để thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý của luật sư rất cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước liên quan. Cụ thể cần có sự phối hợp về công tác tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi về bố trí thời gian, địa điểm, thông báo tới người được tuyên truyền pháp luật. Đối với hoạt động tuyên truyền tại các trường học, cần đưa kế hoạch tuyên truyền vào kế hoạch năm của nhà trường để khi đoàn Luật sư, công ty luật có đề nghị tuyên truyền pháp luật thì có thể bố trí lịch tuyên truyền pháp luật đến các em học sinh như một buổi học ngoại khóa về pháp luật và các kỹ năng trong cuộc sống…
Cần bổ sung quy định trong Nghị định số 123/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư. Bởi lẽ, để thực hiện tốt trách nhiệm tuyên truyền pháp lý vì cộng đồng, vì người nghèo thì không chỉ là trách nhiệm của đoàn luật sư, của tổ chức hành nghề Luật sư mà là sự phối hợp của cơ quan nhà nước với Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư, từng Luật sư.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư nhằm quảng bá và nâng cao vị thế của người Luật sư: hoạt động dịch vụ pháp lý nhưng vẫn có trách nhiệm với người dân, với xã hội.
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An |